Để trở thành người nghe giỏi( Phần IV và V)

Ở các kỳ trước, chúng tôi đã chia sẻ với độc giả các khái niệm liên quan đến âm treble và trung âm của hệ thống. Trong số báo lần này, âm bass là nội dung chính được chúng tôi đề tập tới. Với bất kỳ một cặp loa nói riêng và một hệ thống audio nói chung nào, việc tái tạo âm trầm sao cho tự nhiên là điều khó khăn nhất. Với những triết giải mang tính gợi mở về âm trầm, hy vọng phần nào có ích đối với độc giả trong quá trình set-up một hệ thống âm thanh cho âm tiếng trầm hợp lý. 

Quý hồ tinh bất quý hồ đa

Tiếng trầm là nguyên nhân chính gây “phiền hà” trong quá trình tái tạo âm thanh của một hệ thống hi-fi. Một suy nghĩ khá phổ biến là càng nhiều tiếng bass càng hay. Chính vì thế nhiều hệ thống nghe nhạc đã được bổ trợ thêm chiếc subwoofer hoặc các núm chỉnh âm bass trên ampli được vặn hết cỡ về bên phải. Sự phối ghép này tạo ra tiếng bass có thể làm căn phòng rung lên bần bật khiến người nghe tức ngực. Kết quả cuối cùng mà người nghe nhận được trong trường hợp này là một tập hợp những thanh âm lùng bùng, ầm ĩ và lẫn lộn. Đặc biệt, những âm thanh của bản ghi thuộc về dải dưới được tái tạo với chất lượng rất thấp. 

Trên thực tế, cái mà người nghe nhạc quan tâm, đó là âm nhạc được tái tạo như thế nào, chứ không phải là những màn trình diễn rung trời chuyển đất. Điều quan trọng đối với người yêu nhạc không phải là sự nhiều ít của tiếng bass, mà là chất lượng trình diễn của nó. Người sành nghe không chỉ tìm kiếm sự hiện hữu vật chất của tiếng bass mà hơn thế nữa, đó là thứ âm thanh huyền ảo với đầy đủ sắc thái của âm trầm. Ví như những người hay nghe nhạc jazz và nhạc cổ điển, thường tìm kiếm những hệ thống tái tạo chính xác từng nốt búng, gảy dây trên cây đàn contra-bass. Người nghe cần cảm nhận được từng nốt trầm của bản nhạc ngay cả khi nó được chơi với tốc độ lớn trong một màn hòa âm phức tạp. Nếu nghe các nghệ sỹ contra-bass như Ray Brown, Stanley Clarke, John Patitucci, Dave La Rue, Dave Holland hay Eddie Gomez trình diễn, hẳn người nghe muốn được thưởng thức chính xác những gì họ chơi. Nếu âm bass của hệ thống dở tệ, thì tốt nhất hãy để chúng xuất hiện ít để giảm thiểu khó chịu tới người nghe. 

Việc tái tạo tiếng trầm chính xác là điều thiết yếu tạo nên sự thỏa mản tổng thể của quá trình tái tạo âm nhạc. Âm thanh tần số thấp tạo nên âm nền và giữ nhịp cho toàn bộ bản nhạc. Tuy nhiên, một điều không may là tiếng trầm là phần khó tái tạo nhất của bất kỳ một thiết bị nào, dù là các thiết bị nguồn, ampli và đặc biệt là cặp loa hay phòng nghe. 

Có lẽ, vấn đề phổ biến nhất của tiếng trầm đó là tính chi tiết và sự chính xác của cao độ . Hai thuật ngữ trên mô tả khả năng tái hiện tiếng bass bóc tách thành từng nốt nhạc khác nhau, mỗi nốt ở một cao độ và sắc thái khác nhau, nốt nọ dứt nốt kia chứ không chồng chéo, lẫn lộn. Âm trầm tái tạo phải chân thực và chính xác tới mức, người nghe phải phân biệt được đâu là tiếng bass được tạo ra từ cộng hưởng giữa cây vĩ với bộ dây trên cây đàn contra-bass, đâu là tiếng bass được tạo ra trên cây bass điện Fender Percision. Khi được tái tạo chính xác, âm thanh ở tần số thấp có thể khiến người nghe phải ngạc nhiên bởi độ chi tiết của chúng. 

Khi hệ thống tái tạo âm trầm thiếu chi tiết và không có sự phân biệt rành mạch về cao độ của từng nốt nhạc, toàn bộ dải trầm sẽ biến dạng thành một âm nền lộn xộn. Người nghe có thể thấy được tiếng trầm, nhưng thứ âm thanh đó thiếu nhạc tính và không có độ gắn kết với những dải âm còn lại trong bản nhạc. Hệ thống như vậy sẽ không tái tạo được các nối nhạc một cách chính xác và đánh mất toàn bộ âm hình của hệ thống. Với một số thể loại âm nhạc mà tiếng trầm đóng vai trò quan trọng trong việc giữ nhịp như rock, nhạc blue điện tử và một số thể loại jazz thì tiếng guitar bass và tiếng trống bass thường có độ trễ so với các âm thanh của các nhạc cụ khác, khiến âm thanh tổng thế có phần lỗi nhịp. Hơn thế nữa, tiếng trống bass thường bị tiếng guitar bass nhấn chìm làm giảm nhạc tính nói riêng và chất lượng trình diễn tổng thể của loại nhạc cụ này nói chung. Màn trình diễn bè trầm thuyết thuyết phục này còn trở nên tồi tệ hơn với những hệ thống có tiếng bass lớn. Và đây cũng là lỗi tiếng trầm hay gặp nhất bởi cấu hình ban nhạc gồm bass điện và trống bass rất phổ biến. 

Một số thuật ngữ

Một số thuật ngữ được dùng phổ biến để mô tả tiếng trầm kém chất lượng như: đục, dính, vỡ tiếng, tràn (vống tiếng), kéo đuôi, thiếu lực, đần, lùng bùng và chậm. Ngược lại, thuật ngữ dùng để tả tiếng bass được tái tạo một cách xuất sắc gồm: căng, nhanh, sạch, rõ ràng, nhẹ nhàng, chặt và chính xác. 

“Liều lượng” của âm trầm trong toàn bộ màn trình diễn âm thanh là yếu tố rất quan trọng. Nếu nghe thấy quá nhiều tiếng bass, âm nhạc sẽ bị lấn lướt bởi bè trầm. Tiếng bass dư thừa sẽ luôn “nhắc” người nghe rằng họ đang nghe thứ âm thanh tái tạo chứ không phải âm thanh tự nhiên. Sự dư thừa tiếng bass được gọi là nặng tiếng (heavy). 

Trong trường hợp ngược lại, tức là quá ít tiếng bass, hệ thống được coi là mỏng tiếng. Một hệ thống mỏng tiếng sẽ làm giảm nhạc tính tổng thể và không thể hiện được tiếng trầm đầy uy lực của cây bass điện, độ hoành tráng và sâu thẳm của tiếng kick-drum, sự run rẩy, gầm gừ của cây vĩ trên chiếc đàn contra-bass... Tiếng bass mỏng sẽ khiến âm thanh của cây double bass nghe giống như tiếng cello, tiếng cello lại giống tiếng viola, tiếng trống bass mất đi sức nặng và tác động cần thiết lên bản nhạc trên góc độ tổng thể. Màn trình diễn bị mỏng tiếng thiếu độ ấm áp và cảm giác hiện hữu của nhạc cụ.  

Thuật ngữ khác có liên quan đến chất lượng của âm trầm là độ mở hoặc độ sâu của tiếng bass. Độ mở là khả năng tiếng bass xuống thấp tới mức nào, không phải là thứ tiếng bass hoặc bass cao được mô tả có liên quan đến sự dày mỏng hay nặng nhẹ. Thuật ngữ này dùng để chỉ thứ âm bass sâu nhất trên dải âm mà tai người có thể nghe thấy. Một số loại nhạc cụ tái hiện được thứ âm thanh này gồm kick drum và organ hơi (hoặc organ nhà thờ). Gần như tất cả mọi hệ thống - ngoại trừ những hệ thống âm thanh cực kỳ cao cấp - đều có hiện tượng suy giảm (âm lượng) của các dải tần ở mức rất thấp. Thật may mắn, độ mở cực đại của tiếng bass lại không phải là điều kiện tiên quyết ảnh hưởng tới chất lượng tái tạo âm nhạc ở mức cao. Nếu một hệ thống âm thanh có khả năng tái tạo bè trầm xuống đến 35Hz thì người nghe gần như không cảm thấy thiếu tiếng trầm. Chỉ có những người nghiện tiếng trầm hoặc hay nghe đàn organ hơi thì mới cần tới những hệ thống có thể tái tạo tiếng trầm sâu hơn nữa. Một điểm mà người chơi cần lưu ý, đó là thiết bị càng có khả năng tái tạo âm trầm sâu một cách chính xác càng có mức giá không mấy dễ chịu, nếu không nói là rất đắt. 

Những hiện tượng sai âm thể hiện ở đỉnh và đáy của dải tần có thể khiến trung âm và âm trầm trở nên thiếu tự nhiên. Hiện tượng sai âm ở bè trầm tạo nên màn trình diễn buồn tẻ, đều đều khiến người nghe chóng mệt. Một trong những ví dụ điển hình được gọi với thuật ngữ là “bass một nốt”. “Bass một nốt” khiến âm nhạc bị biến dạng, và bè trầm chỉ là những tiếp đập thiếu âm điệu buồn chán.  

Để có tiếng bass đẹp

Có được tiếng trầm trung thực và tự nhiên là mong muốn của bất kỳ một dân chơi audio nào. Đây cũng là “cảnh giới” khó vượt qua nhất trong quá trình set-up một hệ thống nghe nhạc, ngay cả đối với các nhà sản xuất thiết bị audio hàng đầu thế giới chứ chưa nói tới người nghe. Tuy nhiên có thể khắc phục và hạn chế những vấn đề ngoài mong muốn liên quan đến bè trầm. 

Trước tiên, muốn có được tiếng bass sâu đến đâu, được thể hiện ở nhạc cụ nào, người chơi cần lựa cho mình một đôi loa có dải tần thấp xuống được tương ứng. Tiếp đó, mỗi một cặp loa cần được bố trí trong một căn phòng có diện tích tương ứng theo nguyên tắc, loa càng lớn hoặc đường kính loa bass càng lớn thì diện tích phòng càng lớn. Ngoài ra, việc kê, đặt loa ở vị trí nào trong phòng cũng ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng của tiếng bass. Nếu có điều kiện, một cặp loa nên được đặt cách tường sau tối thiểu 1m và cách tường bên tối thiểu 0,5m. Các thiết bị đánh cặp cũng là yếu tố quan trọng quyết định chất lượng của tiếng bass. Với những đôi loa kín không lỗ thông hơi cộng với độ nhạy và trở kháng thấp, người chơi cần nhắm tới những bộ ampli có công suất lớn với trở kháng xuống được thấp, và đặc biệt, bộ cấp nguồn phải có chất lượng rất cao để đảm bảo luôn cung cấp đủ và bù năng lượng vào đúng thời điểm mà hệ thống yêu cầu. Ngoài ra, hệ thống phụ kiện như dây nguồn, lọc nguồn, dây dẫn và dây loa cũng có những ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng tái tạo tiếng bass tự nhiên và quyết rũ của bộ dàn. 

Trước đây, những cặp loa đứng hoặc loa monitor cỡ lớn như Altec, JBL, Coral... với đường kính loa bass từ 30cm tới cả thước là đích ngắm của những người coi trọng dải trầm. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, những cặp loa bass có đường kính lớn thường gặp vấn đề về tốc độ cũng như khả năng phối hợp với phòng nghe bởi chúng làm dịch chuyển một khối lượng khí rất lớn, dất rễ va đập với tường và các vật dụng trong phòng gây ra hiện tượng dội âm. Hiện nay, với sự xuất hiện của những loại vật liệu mới trong quá trình chế tác củ loa, thùng loa và vật dẫn, nhiều hãng loa đã thu nhỏ được đáng kể đường kính loa bass, thùng loa, đồng thời nâng cao độ chi tiết, độ động của tiếng bass đáng kể như Wilson Audio, Kharma, Marten...


(Phần V)  

Ở những số báo trước, chúng tôi đã giới thiệu tới độc giả những thuật ngữ phổ biến có liên quan đến âm thanh của một bộ dàn như âm bass, mid, treble… Đó là những đặc tính âm thanh có thể cảm nhận, đánh giá một cách dễ dàng nhất trên mỗi hệ thống. Tuy nhiên, với dân chơi âm thanh lâu năm, chừng ấy chưa đủ. Trong số này, chúng tôi tiếp tục giới thiệu tới độc giả một thuật ngữ mô tả đặc điểm âm thanh của hệ thống một cách sâu sắc, cụ thể hơn, đó là âm hình. 

Âm hình là thuật ngữ mô tả kích thước hiện hữu của không gian âm nhạc được tái tạo bởi hệ thống audio. Khi nhắm mắt lại trước một hệ thống âm thanh chất lượng tốt, người nghe có thể hình dung được nhạc cụ, ca sỹ phía trước xuất hiện trong không gian biểu diễn như thể tại một phòng hòa nhạc thực sự. Âm hình có những đặc điểm vật chất cụ thể như độ rộng, chiều sâu. Hai yếu tố này kết hợp khiến người nghe có được sự cảm nhận về không gian biểu diễn của dàn nhạc ngay trong phòng nghe. Âm hình là khái niệm bao trùm cả thuật ngữ không gian, là khái niệm dùng để chỉ cách mà nhạc cụ hiện diện trong không gian ba chiều của bản nhạc trong quá trình được hệ thống tái tạo.  

Trong tất các thành phần tái tạo nên âm thanh - âm nhạc thì âm hình là yếu tố góp phần lớn nhất tạo ra cảm giác kỳ diệu và sống động đối với mỗi hệ thống stereo. Song trên thực tế, cảm giác kỳ diệu ấy lại được tạo nên bởi những yếu tố khá đơn giản: cặp loa trong hệ thống được đánh bởi hai dòng tín hiệu điện biến đổi về điện áp theo mỗi thời điểm trong không gian hai chiều. Chỉ với hai đại lượng biến thiên trên cũng có thể vẽ nên một không gian âm thanh ba chiều có hình khối, kích thước rõ ràng. Với một hệ thống audio có âm hình tốt, người nghe sẽ không cảm thấy mình đang nghe thứ âm thanh được xếp hàng ngang, phẳng và hẹp về chiều sâu. Thay vào đó, người ta có thể cảm nhận rõ ràng vị trí của nhạc công violin số một phía bên trái gần vị trí nghe hơn, âm thanh của bộ đồng xuất hiện phía sau dàn contra-bass phía bên phải, tiếng lục lạc kêu lanh lảnh phía xa-nơi xa nhất trong toàn bộ dàn nhạc. Bản nhạc được cấu thành bởi các âm thanh tách biệt, hiện hữu trong không gian, như thể người nghe đang ngồi trong một nhà hát thực sự. Hơn thế nữa, người nghe còn được nghe âm hưởng của cây oboe phát ra từ vị trí của người chơi oboe, âm hưởng của violin phát ra từ vị trí người chơi violin, những âm dội từ khán phòng bao bọc quanh các nhạc cụ… Những giới hạn về không gian của phòng nghe dường như biến mất và thay thế bởi một phòng hòa nhạc mênh mông. Tất cả chỉ với hai đại lượng điện áp. 

Âm hình được tạo nên trong bộ não của người nghe bởi độ biến thiên được mã hóa trên hai kênh âm thanh. Khi người nghe cảm nhận được vị trí phát âm của các nhạc cụ nằm phía sau sân khấu là lúc đôi tai hay não bộ đã tổng hợp được những thông tin trong quá trình xử lý những điểm khác biệt giữa hai dòng tín hiệu được truyền tới tai.  

Các thiết bị audio thường có sự khác biệt rất lớn trong khả năng tái tạo đặc tính này của âm nhạc. Một số sản phẩm thường ép cho âm hình như dãn ra về hai bên và rút ngắn chiều sâu của nó. Một số khác lại có thể tái tạo đầy đủ và chính xác thứ âm hình tương tự như một không gian biểu diễn thật. Âm hình được coi là yếu tố cốt lõi trong việc tái tạo nên thứ âm nhạc thỏa mãn người nghe. Tuy nhiên, thật không may khi rất nhiều thiết bị âm thanh chất lượng không tốt đã góp phần làm hỏng âm hình của hệ thống. 

Một số thuật ngữ mô tả âm hình tồi của hệ thống như hẹp hoặc bó, âm nhạc như bị nén lại giữa hai chiếc loa, chứ chưa có khả năng phát triển và “bọc” lấy người nghe. Âm hình thiếu chiều sâu bị gọi làphẳng hoặc mỏng tiếng. Lý tưởng nhất, độ mở của âm hình nên nhỉnh hơn chiều sâu của nó. Tuy nhiên, âm hình bị bó lại phía sau cũng sẽ làm suy giảm không gian trình diễn của bản nhạc. 

Ảo giác về chiều sâu của âm hình được tăng thêm bởi sự tái tạo những âm thanh cộng hưởng của nhạc cụ trong không gian biểu diễn thực. Quả thực, sự dội âm giảm dần sau khi đạt cao trào trước những khoảng lặng đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành không gian âm nhạc. Tín hiệu lớn cũng giống như ánh đèn flash trong một căn phòng tối; ở khoảnh khắc đó không gian âm nhạc được định vị rõ ràng, cho phép người nghe “nhìn” thấy các chiều kích thước và đặc tính của âm hình. 

Để tạo nên ấn tượng về sự hiện hữu có thực của các loại nhạc cụ trong không gian âm nhạc mà hệ thống trình diễn, bản thân những âm cộng hưởng trong không gian biểu diễn thực cũng phải tách biệt so với không gian định vị của các nhạc cụ. Những thiết bị audio tầm tầm khó có khả năng tái tạo được kiểu hồi âm trong không gian như vậy, hiển nhiên, chúng khiến cho chiều sâu của sân khấu bị ngắn lại, làm cho âm dội trùng vào âm hình của từng nhạc cụ gây cảm giác lộn xộn cho người nghe.  

Những thuật ngữ được dùng để mô tả âm hình tốt như: tập trung, chặt chẽ, rõ ràng. Những đặc tính của hình ảnh cũng được mô tả như: hình ảnh chặt chẽ, tập trung, định vị rõ ràng. Một âm hình tồi thường đi kèm với những thuật ngữ như: lẫn, thiếu mạch lạc, lộn xộn, nén, thiếu tập trung… 

Một yếu tố quan trọng khác thường được đề cập mỗi khi nhắc tới âm hình, đó là lớp lang. Thuật ngữ ngày dùng để chỉ khả năng phân tách vị trí xuất hiện trước sau của từng nhạc cụ trong một không gian âm thanh tổng thể. Càng xuất hiện nhiều lớp lang trong âm hình, hệ thống càng được đánh giá cao.  

Để đánh giá được âm hình của một hệ thống, người nghe cần phải có những bản ghi chất lượng cao, tốt nhất là những bản thử máy có mục dành cho âm hình như CD thử máy của các hãng thâu âm danh tiếng trên thế giới vẫn làm. Trên thực tế, để phối ghép nên một hệ thống có âm hình chuẩn là công việc không hề đơn giản, nó vừa phụ thuộc vào khả năng trình diễn của từng thiết bị, vừa phụ thuộc vào sự tương thích lẫn nhau giữa các thiết bị, lại phụ thuộc vào phòng nghe và cách kê đặt loa, lựa chọn vị trí ngồi nghe. Tuy nhiên, các yếu tố liệt kê trên không buộc người nghe phải bỏ cả gia tài để đầu tư vào hệ thống audio mới có được một âm hình chuẩn, điều này phụ thuộc nhiều vào kinh nghiệm và tài phối ghép, bố trí thiết bị của người chơi. 

Theo Nghe Nhìn Việt Nam

Sản phẩm đã xem