NGÔN NGỮ NGHỆ THUẬT TRONG CA TỪ TRỊNH CÔNG SƠN

Ngôn ngữ ca từ Trịnh Công Sơn là thứ ngôn ngữ được “ngộ hóa”(12), kết hợp một cách độc đáo, mới lạ, mang nhiều ý nghĩa ẩn dụ. Bửu Ý nhận xét: “…Ta còn chứng kiến một công cuộc thể nghiệm của tiếng Việt trên những chặng đường mới của ngôn ngữ với những kết hợp từ ngữ tài hoa, những góc độ thu hình lạ lẫm, những tri giác dày dặn nhiều tầng, đồng thời làm sáng giá những sự vật thông thường và tầm thường, khả năng tưởng tượng bay bổng”. Thử xét qua một ít từ loại, những danh từ, động từ, tính từ… được sử dụng qua bàn tay phù phép của Trịnh Công Sơn mà Lê Hữu trong bài Ảo giác Trịnh Công Sơn đã phân tích rất tinh tế dưới đây:

Động từ chẳng hạn, ví dụ chữ “phơi”:

Môi nào hãy còn thơm, cho ta phơi cuộc tình…(Ru ta ngậm ngùi)

Chưa nghe nói có ai đem tình ra phơi như phơi áo bao giờ. Thế nhưng, Trịnh Công Sơn đã thật tuyệt khi đem tình phơi trên cánh môi thơm! Thế vẫn chưa lạ, vì đem tình ra phơi cho khô nhưng tình không khô mà nắng lại… khô mới lạ hơn nữa: Phơi tình cho nắng khô mau… (Tình xót xa vừa).

Hay những động từ khác:

Treo: Treo tình trên chiếc đinh không…

Khoác: Sương khoác mềm vai phố…

Lùa: Lùa nắng cho buồn vào tóc em…

Nhặt: Tôi nhặt gió trời mời em giữ lấy…

Chúng ta có thể nhặt ra nhiều động từ như vậy. Các động từ trên hoàn toàn thuần Việt, là cũ chứ đâu có mới, nhưng với những hình ảnh mới mẻ theo sau, nó chở theo sau những ý tưởng hoàn toàn mới lạ, bất ngờ.

Về danh từ cũng vậy. Chẳng hạn từ “nắng” và “gió” là danh từ chỉ một hiện tượng thiên nhiên nhưng qua bàn tay phù phép của ông, những danh từ này bỗng mang một sắc thái riêng, nắng không còn là nắng nữa, gió không còn là gió nữa mà nó đã được thổi hồn trong đó: chẳng hạn nắng mềm, nắng khuya, nắng hững hờ, nắng chiều quạnh quẹ, nắng rất la đà. Từ “gió”: gió vô tình, ngọn gió hư vô, ngọn gió hư hao, ngọn gió hoang vu, ngọn gió quạnh hiu, gió mùa thu rất ân cần… Hoặc ông thường nói đếndòng sông, con đường, hoa cỏ, chim muông. Nhưng qua sự kết hợp ngôn ngữ tài tình của ông… là không còn theo nghĩa thông thường nữa. “Dòng sông” chẳng hạn, là biểu tượng của dòng đời, dòng chảy của thời gian. Dòng sông trong ca từ Trịnh Công Sơn còn gợi lên những ý niệm về nỗi chia lìa, biền biệt, mất tăm, mất hút... Sông bao lần sông đã ra đi…/ Có một dòng sông đã qua đời…“Đóa hoa” không còn là hoa nữa mà là một hình tượng cái đẹp diễm ảo, chỉ nở trong những giấc mơ: Đóa hoa hồng vùi quên trong tay…/ Đóa hoa hồng tàn hôn lên môi…

Trích trong “ Trịnh Công Sơn Vết Chân Dã Tràng” của Ban Mai- (tên thật Nguyễn Thị Thanh Thúy), Thạc sĩ, giảng viên ĐH Quy Nhơn

Hình : www.tcs-home.org

Sản phẩm đã xem