Ngày xuân bàn về chuyện Nghe

Cảm thụ âm nhạc, có qui định nào không về mặt pháp lý cũng như của một tổ chức hay hội đồng đánh giá nghệ thuật rằng, nên hay không nên nghe cái này, hoặc giả sẽ là người không biết nghe khi thích một thể lọai âm nhạc nào đó?

Con người chúng ta, một mặt lại thể hiện cái Tôi quá lớn ở một số trường hợp mà đáng ra “Bản Ngã” nên dẹp qua một bên, mặt khác lại tỏ ra “Sợ xấu hổ” đối với  “Chân Thiện Mỹ”.  Còn nhớ, năm ngóai, khi làm luận án tốt nghiệp về bộ môn marketing, có một vấn đề được nêu là: làm sao đưa lọai hình nghệ thuật cải lương hay hát bội đến với công chúng, làm sao thanh niên mua vé đi xem các lọai hình nghệ thuật này. Rất nhiều các giải pháp của các cô cậu học viên đưa ra: Hỗ trợ giá vé, bán vé cho sinh viên, phát động phong trào (kiểu như phong trào thi đua 3 sạch), rồi cách tân cải lương, đưa tuồng hiện đại vào nghệ thuật hát bội…Nhưng giống như phong trào hô hào đi xe buýt, dù đã trợ giá hết cỡ nhưng số lượng người đi xem buýt rất khiêm tốn. Sao vậy? vì họ sợ người khác chê nghèo. Khổ làm sao, vấn đề lại nằm ở chỗ sĩ diện. Vì sĩ diện mà có lắm anh thích nghe Minh Vương ca nhưng ngại chê là “ quê”. Chúng ta quên đi rằng Cải lương, hát bội được xếp vào lọai hình nghệ thuật cao, chỉ sau kịch câm, đòi hỏi người nghe có một khả năng cảm thụ âm nhạc tốt, có hiểu biết về các điệu bộ ước lệ…Vậy giải pháp là gì? Chính là giải quyết cái Tôi đó. Làm sao cho thanh niên hiểu rằng đi xem tuồng là những người trí thức, là “khó nghe” như giao hưởng chứ không chơi, thì giá vé dù cao (cỡ như ly cà phê 50,000 mà được ngồi ở góc đường Nguyễn Huệ - Sài Gòn sang trọng, được mọi người nhìn thấy) họ cũng cố mà đi xem.

 

Quay trở lại vấn đề thưởng thức âm nhạc. Đã có những dè bỉu khi ai đó thích một Ngọc Sơn ngọt ngào với “Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò Xứ Nghệ” hay một Duy Mạnh nức nở “Về Đây Với Anh”. Đối với những người này Ngọc Sơn là một ca sĩ hát nhạc quê hương, nhạc belero, nhạc sến và Duy Mạnh chuyên trị nhạc “nhão”. Họ không chịu hiểu rằng, để có được chất giọng như của Ngọc Sơn và Duy Mạnh, ngoài giọng ca thiên phú những ca sĩ này phải luyện tập khó khổ để có thể xử lý các đoạn luyến láy mùi mẫn như thế nào. Và tính nghệ thuật được thể hiện rất nghiêm túc mới có thể làm lay động tâm hồn người nghe.

Mục đích của âm nhạc cuối cùng vẫn là mang lại cho người nghe những cảm xúc tốt đẹp. Thông qua giai điệu và đặc biệt là giọng hát ca sĩ, nội dung bài nhạc được chuyển tải đến người nghe hiệu quả hơn. Nghe Tuấn Ngọc thủ thỉ với “ Giọt Nắng Bên Thềm” của Thanh Tùng người nghe cảm nhận sự phù du của một kiếp người. Giống vậy, Chế Linh vẫn có thể làm người cảm nhận “ thói đời” là bạc bẽo khi con người ta “ tiền khô cháy túi”. Người dân miệt vườn Nam Bộ đa phần là mê điệu cải lương và những giọng ca như Minh Vương, Minh Cảnh chắc chắn sẽ làm tâm hồn họ ngất ngây hơn là là các bản giao hưởng quá là bác học. Tương tự, Thúy Cải với các làn điệu quan họ ắt hẳn sẽ dễ dàng tiếp cận tâm hồn người xứ Bắc Ninh và  nếu như chịu nghe các nghệ nhân phía Bắc cất giọng ca Trù, ở các cung đoạn luyến láy đổ hột chắc chắn không ít người phải thán phục cho tài nghệ điêu luyện của họ. Và lẽ đương nhiên, những ai không thể thưởng thức các bản giao hưởng  với lực lượng hùng hậu của các nhạc công hoặc không “nuốt “ nổi các bản nhạc theo hướng cổ điển thì cũng chớ nên vội chê bai các dòng âm nhạc này. Với nền văn hóa Châu Âu và tính “bác học” của nó, giá trị nghệ thuật của thể loại này là không thể phủ nhận.

 

Đến đây có thể kết luận rằng việc thưởng thức âm nhạc là “ quyền” cá nhân của mỗi người. Không có thể loại âm nhạc nào là “ thấp”. Tất cả đều là sáng tạo và đều có bề dày lịch sử gắn liền.Tùy vào sở thích, mức độ cảm thụ, văn hóa vùng miền mà mỗi người tiếp cận với những thể loại âm nhạc khác nhau. Và có thể nói rằng, đáng mừng cho những ai có khả năng nghe và cảm thụ tất cả các thể loại âm nhạc. Vì như thế cuộc sống của họ sẽ tràn ngập niềm vui khi mà họ sẽ có nhiều chọn lựa cho nhu cầu thính lãm của mình.

 

Nguyễn An Tim

 

Nghe Nhìn

Sản phẩm đã xem