Nghe và Nhìn trong Thế giới phẳng

Có thể dự đoán rằng, xu hướng và sức mạnh công nghệ hiện nay cũng như những năm tới chính là khả năng kết nối và hỗ tương lần nhau của các thiết bị điện tử gia dụng

 

Số hóa

 

Không riêng gì các sản phẩm thuộc nhóm IT mới ứng dụng các công nghệ, phát minh mới nhất của ngành điện tử. Ngay bây giờ và tất nhiên là cả trong tương lai tới đây, các sản phẩm gia dụng, đặc biệt là nhóm Nghe Nhìn cũng mạnh dạn ứng dụng các tiến bộ của công nghệ. Điều đó mở ra một hướng mới cho công cuộc cải cách quan điểm” về Nghe Nhìn.

Công nghệ số (digital) không phải từng bước mà thật sự đã ào ạt chiếm lĩnh thị trường sản phẩm Nghe Nhìn. Đi đầu là máy ảnh và camera kỹ thuật số, độ phân giải ngày càng mịn, dung lượng thẻ nhớ ngày càng cao. Đã xuất hiện máy quay video dùng ổ cứng và việc xuất hiện máy ảnh “không cần thẻ” chỉ còn là vấn đề thời gian.

Cách đây mấy năm, Panasonic đã tung ra sản phẩm đầu DVD có ổ cứng (hard disk) có khả năng lưu trữ 1 bộ phim 2 tập - một ứng dụng về công nghệ lưu trữ. Denon năm ngoái cũng cho ra đời đầu đọc CD có ổ cứng có thể chứa 10 ngàn bài hát dưới định dạng WMA. Còn tới năm 2007 này, từ máy quay, đầu đọc, máy chơi game … thậm chí tới cả máy nghe nhạc MP3 cá nhân cũng đã được gắn ổ lưu trữ dung lượng lớn dưới dạng hard disk hoặc flash.  

 

Đầu phát Denon D-F 103 có ổ cứng lưu trữ 10000 bài hát dạng WMA và kết nối USB

 

Khi người tiêu dùng ngại chạy dây trong phòng , các nhà sản xuất loa đã ứng dụng công nghệ sóng RF hoặc chuẩn WiFi để bắt tín hiệu âm tần phát từ các kênh Ampli cho các loa. Trong các tivi đời mới mà LCD TiVi là thí dụ điển hình, ngoài các cổng nối với đầu CD, DVD, và dàn loa, các sản phẩm đều được gắn các cổng giao tiếp/ kết nối đa dạng: nối với máy tính, cổng USB, khe cắm thẻ nhớ… cho phép duyệt ảnh dưới dạng JPEG  hoặc có thể đọc được các file nhạc dạng nén như MP3, WMA… Tất cả đều nhờ công nghệ số hóa.

Và cũng chính nhờ vào công nghệ này mà ranh giới giữa các sản phẩm trước đây bị coi là hoàn toàn khác biệt  (nghe nhìn, máy tính, gia dụng, văn phòng…) thực tế đã bị xóa nhòa.

 

Kết nối rộng

Có thể nói, các rào cản “ngôn ngữ” và công nghệ trong thời đại số hóa đã mất dần đi, “lối tư duy” của các thiết bị ngày càng giống nhau. Chính do sự dễ dàng “thông quan” trong việc chuyển tải, chuẩn hóa dữ liệu nên các thiết bị điện tử ngày càng dễ dàng giao tiếp với nhau.

Xu hướng ngày nay không thể đảo ngược mà các nhà sản xuất phải nhắm đến là công nghệ kết nối. ví dụ các sản phẩm nghe nhìn chẳng những liên kết với nhau mà còn có thể kết nối với các thiết bị điện tử gia dụng khác trong nhà. 

DENON AVR-4810 Ampli receiver kết nối đa phương tiện, khả năng chia 3 vùng cho 3 nguồn phát khác nhau

 

Nhằm khai thác lợi thế cạnh tranh nằm ngay trong tính đồng bộ của một thương hiệu, nên các nhà sản xuất đã nhanh nhảu tạo cho mình nhưng cái “ Link” kết nối riêng. Toshiba có cái gọi là Regza Link, cho phép kết nối với các thiết bị khác như đầu phát DVD, dàn loa, máy quay, laptop … và điều khiển chúng bằng remote control của Tivi. Tương tự Panasonic cũng một Link riêng cho mình gọi là Viera Link. Có lẽ các đại gia Sony, Samsung, …  cũng sẽ chẳng chịu thua kém trong kỹ thuật này.

Xa hơn nữa, chúng ta có thể mơ tới một khong gian “giao tiếp mở” hoàn toàn, khi mà chỉ với một chiếc remote control trong tay, có khi chính là chiếc điện thoại di dộng, bạn có thể chỉ huy cả một dàn “tổng phổ” các thiết bị điện tử của mình, cho dù chúng mang bất cứ thương hiệu nào.

 

 

  Ai cũng IT

“All in One” không còn là một câu khẩu hiệu gây sốc, và thành trì cuối cùng – các thiết bị audio cao cấp trước nay vốn có truyền thống “cục nào ra cục nấy” cũng phải đi theo xu hướng này. Nhưng tới đây, bước tiến sẽ còn xa hơn nữa, tất cả các thiết bị vừa phải tích hợp nhiều tính năng, vừa phải đảm nhiệm vai trò “lĩnh xướng” để ở bất cứ đâu, vào bất cứ lúc nào chủ nhân cũng có thể tận hưởng được tất cả các tính năng của nó cũng như của các thiết bị khác đem lại. Để được như vậy, các thiết bị đều cần phải có ứng dụng IT, nói nôm na là chúng đều phải có bộ não nhân tạo.

 Ví dụ thú vị nhất là chuyên gia sản xuất thiết bị Audio, hãng Denon, đã tích hợp khá nhiều các công nghệ của ngành IT vào sản phẩm “truyền thống” của mình. Đơn cử như Ampli Receiver AVR-4810, hệ thống điều khiển cân chỉnh của máy được thiết kế như một giao diện của hệ điều hành cho máy tính cá nhân. Người tiêu dùng phải có trình độ IT chút đỉnh mới có thể setup và khám phá hết các tính năng kỹ thuật của cái Ampli “hàng khủng” này. Ampli còn tích hợp cả công nghệ WiFi cho phép kết nối với hệ thống mạng ( không dây), có khả năng khai thác dữ liệu nhạc trong My Music hoặc đọc các file ảnh trong My Picture. Ampli còn có các ngõ để kết nối với Ipod hoặc USB chứa nhạc và file ảnh.

 

 

Các hãng sản xuất thiết bị nghe nhìn hiện nay tìm kiếm một giải pháp chia sẻ cả về thông tin lẫn công năng sử dụng. Một cái Ampli có thể sử dụng cho nhiều phòng, mỗi phòng dùng một cái Remote điều khiển thông qua một trạm thu phát sóng được đặt đâu đó trong nhà. Người tiêu dùng các nước rất thích tính năng này, và các nhà sản xuất buộc phải chạy đua trong việc thiết kế loại ampli có khả năng chia vùng (zone) như là một thế mạnh khác của Ampli ngoài khả năng tái tạo âm thanh.

 

Trong thế kỷ này, khi mà thế giới trở nên gần như phẳng (flat), việc khai thác vùng đất IT vô cùng màu mỡ sẽ không còn là đặc quyền của các công ty máy tính và chúng ta có quyền hy vọng vào những thay đổi rất hay, rất mới trong tương lai gần.

 

Nguyễn An Tường Vy

Sản phẩm đã xem