Việc nghe thẩm định - nghe để đánh giá chất lượng của các thiết bị audio bằng cách lắng nghe và phân tích hoàn toàn khác với việc nghe thưởng thức. Mục đích của việc nghe thẩm định không phải dành cho những trải nghiệm về âm nhạc mà để quyết định xem hệ thống hoặc thiết bị audio đó có âm thanh hay hay dở và lý do tại sao. Khi muốn kiểm chứng những gì mình nghe, người nghe cần xác định được các giá trị cần được đánh giá đối với việc tái tạo âm thanh. Người nghe có thể sử dụng những thông tin đó để đánh giá và lựa chọn thiết bị, phối ghép nên hệ thống hoàn thiện. Mai A biên dịch và tổng hợp
Tầm quan trọng của nghe thẩm định
Việc đánh giá dựa trên đôi tai là điều thiết yếu bởi các thiết bị đo lường chưa đủ khả năng mô tả chất lượng trình diễn âm nhạc của các sản phẩm audio. Cơ chế nghe của con người nhạy cảm và phức tạp hơn trăm ngàn lần những thiết bị kiểm định tiên tiến nhất hiện nay. Mặc dù các thông số kỹ thuật vẫn là cơ sở đáng tin cậy để lựa chọn thiết bị, song đôi tai mới là yếu tố phán quyết cuối cùng. Hơn nữa, sự khác biệt trong khả năng biểu đạt cảm xúc âm nhạc của mỗi thiết bị chỉ có thể cảm nhận được theo cách chủ quan.
Rất nhiều người khi mới tiếp xúc với các thiết bị tái tạo âm nhạc chất lượng cao hay đặt câu hỏi: “Dựa vào đâu để đánh giá một thiết bị audio?” Đa phần trong số đó tin rằng chỉ cần dựa vào những đo lường kỹ thuật là có thể đánh giá được mọi yếu tố có liên quan đến khả năng trình diễn của sản phẩm. Song trên thực tế, nếu những thiết bị đo lường đó làm được điều này thì tại sao vẫn cần những buổi nghe thẩm định nặng tính chủ quan do đôi tai người quyết định?
Một vấn đề khác nảy sinh, đó là các thiết bị đo lường, kiểm tra và so sánh những sản phẩm audio có xu hướng lượng hoá các yếu tố theo hai chiều: độ méo của sản phẩm, tần số đáp ứng, độ can nhiễu, và một số yếu tố khác. Tuy nhiên, nghe nhạc là một trải nghiệm gồm ba chiều mà độ phức tạp của nó cao gấp nhiều lần so với bất kỳ một tập hợp số nào (kết quả của một quá trình lượng hoá). Làm sao người nghe có thể biến đổi một loạt các biểu thức toán học, vật lý để ra quyết định xem nên chọn ampli này hay ampli kia, và liệu những biểu thức phức tạp ấy có lý giải được tại sao bản nhạc đó lại có thể khiến bạn rung động tới mức gai người?
Dẫu có sử dụng bao nhiêu thiết bị đo lường tối tân đi chăng nữa thì cũng không thể đo được mức độ biểu đạt âm nhạc của các thiết bị audio. Nếu phải lựa chọn giữa một trong hai đầu đọc CD để làm nguồn chơi nhạc trong vòng năm năm tới, tôi thà dùng mười phút để nghe mỗi thiết bị trong phòng nghe còn hơn dùng mười tiếng với mỗi thiết bị trong phòng kiểm định. Cho đến thời điểm này, các thiết bị kiểm định vẫn chỉ là thứ công cụ thô sơ, thua xa công cụ thẩm định mạnh mẽ nhất từ trước tới giờ: bộ não người.
Một loại ampli đèn điện tử có tên gọi “đèn single-end ba cực” là ví dụ tiêu biểu cho sự hạn chế của các công cụ đo lường trên khía cạnh hiệu quả về mặt tái tạo âm nhạc của các thiết bị audio. Tất cả các ampli đèn single-end ba cực đều cho những kết quả đo tệ đến mức thảm hại với độ méo cao, công suất cực thấp (hầu hết đều dưới 10 w/kênh) và chỉ có thể chơi với một vài loại loa nhất định. Song cũng chính loại ampli này lại cho thứ âm thanh truyền cảm, mê hoặc không thể chối cãi. |
Hầu hết mọi người có thể chỉ ra được sự khác biệt giữa âm thanh hay và âm thanh dở, song việc khám phá sản phẩm đó đạt yêu cầu về nhạc tính hay không, khả năng nhận biết và mô tả những điểm khác biệt dù là nhỏ nhất trong âm thanh… đều là những kỹ năng cần được rèn luyện. Cũng giống như những kỹ năng khác, khả năng nghe thẩm định sẽ được nâng cao thông qua thực hành: nghe càng nhiều, càng có thể cảm nhận được những điểm khác biệt nhỏ trong âm thanh do hệ thống tái tạo. Từ đó có thể mô tả được sự khác biệt giữa trong âm thanh của mỗi loại thiết bị, và lý giải nguyên do.
Phẩm chất của audiophile
Âm thanh hay đồng nghĩa với những thoả mãn về cảm xúc âm nhạc được tái tạo bởi một hệ thống audio. Nếu một ai đó mời bạn đến nhà để thưởng thức hệ thống hi-fi của anh ta, bạn có thể chỉ ra được ngay lập tức, anh ta là người yêu nhạc hay người mê máy - chỉ tập trung vào âm thanh nhiều hơn là âm nhạc. Nếu anh ta bật nhạc thật to, liên tục đổi đĩa và và các track nhạc rồi cứ sau mỗi 30 giây lại vặn nhỏ để dò xét nhận định của bạn thì chắc hẳn đây không thể là một người yêu nhạc. Ở một trường hợp khác, nếu anh ta hỏi bạn thích nghe loại nhạc gì và chọn một chương trình để chơi với mức âm lượng vừa phải rồi ngồi xuống nghe cùng bạn với một thái độ tập trung, yên tĩnh trong vài chục phút, rất có thể người đó đã có những những phẩm chất mà một audiophile cần có hoặc đơn giản hơn, anh ta là người rất quan tâm đến âm nhạc.
Trường hợp đầu tiên, người đó muốn gây ấn tượng với bạn bằng âm thanh. Trường hợp thứ hai, người đó cũng muốn gây ấn tượng cũng muốn gây ấn tượng bởi hệ thống của họ nhưng thông qua âm nhạc chứ không phải thứ âm thanh khiến căn phòng rung động. Đây là điểm khác biệt căn bản giữa người chơi máy và người yêu nhạc.
Có những người chỉ mới nghe nhạc được một lúc đã phải cất tiếng bình phẩm về ưu - nhược của hệ thống. Rất có thể họ bị tác động bởi những thứ âm thanh đầy vẻ hào nhoáng từ các show room hay ở nhà một người chơi máy nào đó. Khi bạn bắt đầu nghe nhạc ở nhà người khác hoặc ngoài cửa hàng audio, không nhất thiết phải bộc lộ quan điểm của mình về âm thanh. Hãy ngồi tĩnh lặng và nghe một cách tập trung với đôi mắt nhắm, để âm nhạc - chứ không phải âm thanh - cho bạn thấy hệ thống đó hay tới mức nào.
Khi nghe cùng với một nhóm, bạn cũng không nên bị lung lay bởi ý kiến của những người xung quanh. Tuy nhiên, nếu họ là những người nghe giàu kỹ năng, bạn nên gắng hiểu những gì họ đang bàn luận. Lắng nghe những mô tả, so sánh ý kiến của họ với cảm nhận của bạn. Song cũng không nên giữ khư khư những nhận định của người khác trong đầu. Ví như trong trường hợp bạn không cảm nhận được sự khác biệt giữa hai sợi dây tín hiệu, đừng ngại ngần nói ra điều đó. Hơn nữa, nên thành thực bày tỏ ý kiến khi được hỏi về một hệ thống nào đó mà mình được nghe. Nếu âm thanh dở, hãy cho họ biết bạn thấy nó dở.
Bất kỳ một thiết bị audio nào cũng ảnh hưởng tới tín hiệu âm thanh đi qua. Một số sản phẩm bị sai âm khi thêm thắt những đặc tính không đáng có ví như tiếng treble sạn hoặc tiếng bass lùng bùng. Một số thiết bị khác lại khiến cho âm thanh bị hụt, ví như một cặp loa nhỏ không thể tái tạo được những tần số cực thấp. Nếu một số âm thanh nào đó của bản nhạc không được tái tạo chọn vẹn, ngay lập tức tiềm thức từ não bộ sẽ cho bạn biết thứ âm thanh đó thiếu những yếu tố gì song bạn vẫn có thể thưởng thức âm nhạc một cách thoải mái. Tuy nhiên, nếu hệ thống tái tạo lại thêm một số đặc tính cho âm thanh, bạn sẽ luôn bị ám ảnh rằng những gì bạn đang nghe được là một sản phẩm tái tạo, không phải “đồ thật”.
Một audiophile có kiến thức sâu rộng về âm nhạc và có kinh nghiệm về việc chúng được tái tạo như thế nào mới hiểu được tầm quan trọng của những sự khác biệt dù là nhỏ nhất trong việc tái tạo âm nhạc của bộ dàn. Những cải thiện nhỏ có thể mang lại khác biệt lớn trong toàn bộ màn trình diễn của hệ thống.
“Bẫy” khi nghe thẩm định
Có một số điểm đáng quan ngại trong quá trình phát triển kỹ năng nghe thẩm định. Trước hết là việc khó phân định giữa việc nghe thẩm định và nghe thưởng thức. Một khi đã tập trung toàn bộ tinh thần vào việc giám định chất lượng âm thanh, bạn có thể dễ dàng quên mất lý do đã đưa mình tới thế giới của audio chính là âm nhạc. Điều này cũng có thể khiến bạn có một thói quen không mấy dễ chịu, đó là cứ hễ nghe nhạc là phải tập trung để đưa ra đánh giá xem cái gì đúng, cái gì sai trong âm thanh. Trong khi đó, những thiết bị hi-end thường có màn trình diễn tốt đến mức người nghe không cảm thấy sự hiện diện của các thiết bị phần cứng. Khi nghe nhạc để thưởng thức, người nghe thường không để ý đến thiết bị và quên việc nghe đánh giá. Chỉ nên chuyển sang trạng thái nghe thẩm định khi người nghe cần quyết định lựa chọn sản phẩm hoặc luyện nghe để trở thành người nghe tinh. Một audiophile có bản lĩnh thường xác định được ranh giới giữa nghe thẩm định và nghe thưởng thức và biết khi nào nên vượt qua ranh giới đó.
Cũng có một nguy cơ tiềm ẩn khác, đó là khi tiêu chuẩn về âm thanh theo đôi tai của bạn đã được nâng tới một mức mà ở đó, nếu các thiết bị audio không đáp ứng được những chuẩn này thì bạn không thể thưởng thức âm nhạc một cách trọn vẹn. Điều quan trọng là không thể để việc trở thành một audiophile cản trở thú vui thưởng thức âm nhạc của bạn vì bất kỳ lý do gì.
Theo Nghe Nhìn Việt Nam ( Mai A biên dịch và tổng hợp)
Trung Tâm Âm Thanh
#AnhDuy Audio