Loa nghe nhạc vàng từng là ước mơ của bao người
Khi tìm loa nghe nhạc vàng, thường mọi người chỉ quan tâm chọn loa gì để nghe chứ mấy ai hỏi đến là nên chọn loa cổ hay chọn loa đời mới. Thực tế là có không ít người yêu nhạc vàng đã trọn tình cùng với những đôi loa cổ AR, KLH, Dynaco, Ditton…bao năm nay mà không hề mở lòng với dòng loa nào khác và lại càng nói không với dòng loa đời mới. Không thể phủ nhận rằng, âm điệu dẻo nhựa “gây nghiện” của “nàng tiên nâu” AR4 hay tiếng hát ngọt ngào bồng bềnh sương phủ của Ditton 25 từng làm bao quý anh làng Audio phải mê mẩn, ngày đêm ao ước được sở hữu. Nhưng đó là câu chuyện kéo dài suốt nhiều thập kỷ đẵ hằn sâu trong tâm trí các bậc tiền bối phần đông đến nay đã ở tuổi xế chiều.
Dàn máy nghe nhạc thời kỳ đất nước mới mở cửa
Thời kỳ đất nước mới mở cửa trước năm 2000, mốc son là sau năm 1994 khi Mỹ hết cấm vận, gia đình nào sỡ hữu những bộ dàn âm thanh mini “hàng bãi” com bo 5-7 thớt của Nhật là đã được xếp vào danh sách nhà giàu có của ăn của để.
Bộ dàn nghe nhạc mini Denon 7.5L cao cấp có giá xuất xưởng gần 3000 USD năm 1998
Chỉ là rất hiếm chứ không phải là không có những gia đình có cả dàn máy âm thanh dạng dàn rời có loa và ampli khác hãng phối ghép với nhau như các bộ loa Liên Xô S90D ghép Ampli Pioneer 7800II, loa AR4 với ghép Ampli Fisher 250TX, loa AR3 ghép ampli Fisher 800T hay loa JBL L100 Century ghép Ampli Luxman L80V…mà tính ra giá thành của những bộ này thì cũng bằng cả căn nhà thời bấy giờ. Dù là bộ dàn mini nghe nhạc hay, là dàn máy nghe nhạc loại lớn lớn dạng thiết bị rời khác hãng thì đó cũng là các cấu hình giải trí mà chủ yếu là để nghe nhạc vàng tại các gia đình buôn bán xuất nhập khẩu đi lại giao thương tận trời Tây chuyển về… Hiếm và vốn đắt đỏ như thế nhưng những bộ dàn loa nghe nhạc vàng vẫn luôn là mối quan tâm hàng đầu trong đời sống giải trí của không ít gia đình thời bấy giờ.
Loa Ar3 (lưới cước ) - "huyền thoại" nghe nhạc vàng được ca tụng
Thời vàng son và ngày tàn của những đôi loa "huyền thoại" nghe nhạc vàng
Những năm đầu tiên sau mốc son năm 2000 có nhiều hiệp định kinh tế được ký kết giữa Việt Nam và Quốc Tế, đời sống giải trí của nhiều gia đình đã được cải thiện rõ rệt khi giá thành Tivi và dàn âm thanh nghe nhạc đã hạ nhiệt và dễ thở hơn. Thiết bị nghe nhạc cả hàng đeo vai, kẹp hành lý, hàng công “thuế nhẹ”… gọi dân dã là hàng xách tay cho đến hàng nhập khẩu chính hãng bắt đầu ùn về Việt Nam nhiều hơn. Hàng nhập khẩu chính hãng lúc này phổ biến vẫn chỉ là bộ dàn nghe nhạc mini hay dàn lớn dạng combo của các hãng âm thanh Nhật mới sản xuất như Denon, Sony, Yamaha, JVC, Onkyo, Pioneer... Thị hiếu có sẵn, dân buôn đồ âm thanh hàng bãi có vốn mạnh chả tội gì nhập hàng khác ngoài loa AR, KLH, Advent, Ditton, JBL… cổ cũ vốn là đồ bỏ đi ở xứ Tư Bản đem về bán giá rẻ vẫn lời to. Những đôi loa Âu – Mỹ đã dễ về Việt Nam hơn như AR4, AR3, Dynaco A25, Ditton 25, JBL L100 Century…dần được thế vào chỗ vốn để dàn âm thanh mini chỉ hợp cho phòng khách nhỏ và phòng ngủ, và thậm chí thế chỗ luôn cả những dàn âm thanh loại lớn của Nhật chưa thỏa mãn đôi tai cầu toàn của người yêu nhạc vàng. Thính giả lớn tuổi được nghe lại được những âm điệu mộc mạc tự nhiên của tiếng đàn bầu, đàn tranh văng vẳng bên tai trong những đêm thanh vắng, tiếng sáo trong cao dặt dìu lúc trưa hè nhấp trà nhả thuốc mà thanh xuân họ đã đi qua. Ít được tiếp cận với các thiết bị âm thanh đời mới hoặc thói quen sử dụng và nghe nhạc đã ăn sâu vào tâm trí, thính giả lớn tuổi cứ truyền tai nhau cho thế hệ sau trong nhiều cuộc vui giao lưu là tìm loa nghe nhạc vàng là phải tìm những đôi loa ấy. Trong khi đó, lái buôn vì lợi nhuận và hàng tồn bên “bãi” có sẵn thì mặc nhiên luôn ca tụng về những đôi loa nghe nhạc vàng được coi là “huyền thoại” ấy sẽ “bất khả chiến bại” trước những dòng loa khác.
Siêu phẩm JBL L100 Century từng được giới chơi âm thanh Việt Nam săn lùng
Một lần đến nhà bác bạn lớn tuổi ( tôi gọi bằng chú vì cũng ngoài 60 rồi ), được nghe giọng hát của danh ca vàng Duy Khánh, Chế Linh, Thanh Thúy, Thanh Tuyền, Hoàng Oanh… văng vẳng từ đôi loa AR4 và Ditton 25 đang chạy với đầu băng cối, đĩa than LP, băng cassette thu âm trước năm 1975, thanh âm ngân vang dập dìu cùng tiếng ca dẻo nhựa mộc mạc bùi ngùi đến não lòng khiến tôi say lòng thưởng thức quên cả giờ về với vợ con. Lần tình cờ định mệnh ấy khiến tôi loay hoay đi tìm cho bằng được một trong 2 đôi loa này về để nghe. Tôi quyết định chốt hạ AR4 bởi trót yêu thêm cả tiếng bass trầm sâu mềm mượt êm dịu đặc trưng của đôi loa này. Nghe nhạc vàng trước 75 hay nhạc vàng thu âm đời mới đều khiến tôi hài lòng. Kiểu như đã nghe giọng hát Chế Linh và Trường Vũ từ loa AR4 thì khó lòng mà tơ tưởng tới đôi loa nào khác được.
"nàng tiên nâu" AR4 gây nghiện người mê nhạc vàng
Tuy nhiên những ngày tháng tận hưởng cảm giác bồng bềnh cùng âm nhạc kéo dài không bao lâu, lương duyên chưa thắm thì “nàng tiên nâu” lại vội rời xa. Đôi loa đã được sản xuất quá lâu, từ mấy chục năm trước và lại còn bị bỏ hoang nơi “bãi rác” xứ Tư Bản thì sao mà sống thọ được với môi trường nóng ẩm bội phần như ở Việt Nam. Từ những cơn hắt hơi xổ mũi rột roẹt thi thoảng cho đến cơn đau họng kéo dài khan tiếng hát không ra hơi cả mấy tháng trời của AR4 khiến tôi không khỏi buồn lòng. Tiếng hát cứ yếu dần, yếu dần cho đến khi im bặt… Mọi biện pháp thay thế linh kiện như tụ cản, cuộn cảm thậm chí quấn lại coil loa cũng không thể lấy lại được giọng hát ngọt ngào ấm dịu…của AR4 bởi có những thứ vốn dĩ phải thuộc về nguyên bản. Bác bạn lớn tuổi không lâu sau mấy ngày tôi ghé chơi nghe nhạc cũng đành phải chia tay vĩnh viễn với đôi AR4 và Ditton 25 quý hơn vàng bỗng mắc cơn bạo bệnh do trời nồm trước Tết gây rè loa rồi tịt hẳn. Và nhiều đôi loa cổ như Dynaco A25, JBL L100… của mấy anh bạn khác cũng lần lượt phải xếp vào danh sách đồ trưng bày ngắm loa thưởng trà bởi tình trạng bệnh lý tương tự. ^.^
Đã đến lúc chuyển hướng chọn loa nghe nhạc vàng
Khoảng 10 năm trở lại đây, mạng Internet phát triển, trên google, youtube, facebook và các diễn đàn đã ngập tràn thông tin về thiết bị âm thanh và loa nghe nhạc mới sản xuất của các thương hiệu nổi tiếng thế giới. Không khó để người yêu nhạc có thể tìm mua được bộ dàn âm thanh mà đặc biệt là đôi loa nghe nhạc vàng đúng gu. Người mua cũng yên tâm sử dụng loa đời mới sản xuất hơn bởi dòng đời của loa thì còn dài và lại được chế độ bảo hành lâu dài của đơn vị cung cấp tại Việt Nam. Mặc dù vậy, chất lượng âm thanh luôn là điều tiên quyết để người dùng chọn loa.
Xét về công nghệ sản xuất, loa đời mới đương nhiên có chất lượng thể hiện âm thanh tốt hơn loa cổ thế hệ cũ. Không có chuyện ngược đời nghịch lý là sản phẩm mới không bằng sản phẩm cũ. Ý kiến nào chê bai loa đời mới nghe nhạc không hay bằng loa đời cũ cơ bản là do đã quá quen với chất âm đục màu của loa cổ đời cũ bao năm, nay tình cờ được nghe qua loa đời mới có tiếng sáng quá, thậm chí có đoạn nghe bị chói gắt…chưa kịp thẩm thấu liền ngay có ác cảm với loa đời mới.
Chất âm đục màu chúng ta từng nghe được trên loa cổ trước đây một phần là do công nghệ sản xuất loa thời điểm đó chỉ dừng lại ở mức độ đó, nó chỉ thể hiện được độ chi tiết của âm thanh nhạc cụ và giọng hát của ca sĩ đối với các chương trình thu âm vào thời điểm đó. Nó không thể hiện được hết mức độ chi tiết của bản nhạc được thu âm thời âm thanh số ngày nay. Không ít người thích nhạc vàng được hòa âm, thu âm công nghệ hiện đại như tôi nhưng lại nghe trên loa cổ mãi thành quen tai, nghe ngay loa đời mới khó tránh khỏi bị “sốc”. Nghe nhạc vàng mà âm gì nó cũng tươi sáng thế, có chỗ nghe có khi lại bị gắt tai…Có thời gian trải nghiệm nghe loa đời mới, nhiều người bắt đầu nhận ra chỗ nghe thấy chói gắt là do lỗi kỹ thuật xử lý âm thanh trong phòng thu mà phần nhiều là do hạn chế về chi phí để sản xuất album nhạc phẩm đó . Đối với các loa cổ công nghệ cũ, linh kiện trong loa đã lão hóa xuống cấp sau thời gian dài tồn tại nhiều thập kỷ khiến âm thanh tái tạo sẽ bị méo tiếng, kém chi tiết thì chắc chắn chúng ta chưa nghe ra được nhũng cái lỗi chói gắt đó.
Chọn loa đời mới để nghe nhạc vàng là xu thế tất yếu
Ở vào thời điểm hiện tại như bây giờ, người nghe nhạc vàng đã yêu thích những đôi loa đời mới hơn bởi chất lượng thu âm ngày nay tại Việt Nam đã cải thiện tốt hơn rất nhiều và thậm chí là không hề thua kém các trung tâm tại Hải Ngoại. Điển hình như series Album nhạc trữ tình Lệ Quyên -Khúc Tình Xưa của công ty Viết Tân hay như gần đây nhất là tuyển tập CD nhạc trữ tình của ca sĩ Hà Vân do Công ty Audio Space sản xuất và phát hành được rất nhiều thính giả hiện nay yêu mến.
Ưu điểm thấy rõ khi nghe các Album nhạc này trên dòng loa đời mới là sự trung thực, chi tiết của âm thanh. Đó là tiếng hát ngọt ngào khi ngân cao trong trẻo khi nức nở thồn thức của giọng nữ, là tiếng hát khi thanh vang ấm ấp khi trầm khàn gai góc của giọng nam…Không gian âm nhạc sâu lắng tĩnh sạch và một sân khấu trình diễn có sự dàn trải bóc tách của nhạc cụ với giọng hát ca sĩ sẽ là điều chúng ta không thể là cảm nhận được khi nghe từ những đôi loa cổ đời cũ.
Hiện nay, thị trường loa đời mới có nhiều dòng loa nghe nhạc vàng rất hay để bạn chọn lựa. Những dòng loa đời mới này được thiết kế với kỹ thuật công nghệ tiên tiến nhất hiện nay cho chất lượng âm thanh tốt nhất ở tầm giá. Khả năng bền bỉ với môi trường khí hậu Việt Nam cũng là một trong những lý do mà nhiều người Việt Nam chọn lựa dòng loa đời mới. Bạn lưu ý, nếu chọn loa nghe nhạc vàng, hãy chọn dòng loa thể hiện trung âm ngọt dầy và thanh dịu, các dải tần khác có thể không nổi bật nhiều nhưng tất nhiên là không thể thiếu. Bởi suy cho cùng, giọng hát là phần âm thanh bạn muốn nghe nhiều nhất từ đôi loa. Nếu khả năng tài chính rủng rỉnh bạn có thể chọn dòng loa Tannoy với các model thượng hạng được ưa chuộng nhất hiện nay như Canterbury, Kensington, Turnberry…
Nếu vẫn yêu thích âm điệu ngọt ngào thanh cao sang trọng của dòng loa Tannoy nhưng chi phí giới hạn dưới 50 triệu, bạn có thể chọn các model Tannoy Revolution XT 6F và XT 8F.
Ở tầm giá dưới 30 triệu, bạn vẫn có thể lựa chọn các dòng loa nghe nhạc vàng khác ngoài Tannoy. Trong số đó, Jamo và Klipsch là 2 ứng viên rất đáng “đồng tiền bát gạo” để bạn cân nhắc. Bên cạnh ưu điểm giống nhau là dễ phối ghép ampli thì có các đặc tính âm thanh khác nhau giữa 2 dòng loa này bạn cần xác định trước khi trải nghiệm nghe thử. Trung âm ngọt ngào là điều đương nhiên bạn sẽ cảm nhận được ngay nhưng tổng thể loa Jamo sẽ có chất âm trầm ấm hơn so với đặc trưng tươi sáng ở âm thanh của loa klipsch.
Đôi loa nghe nhạc vàng Jamo D 590 danh tiếng
Loa Jamo có tiếng bass “đầm” hơn, mềm hơn so với dải trầm chắc gọn của Klipsch. Nếu chuộng tiếng hát thanh nét, tiếng nhạc cụ tươi nảy, bạn nên chọn Klipsch. Ngược lại, hãy chọn Jamo nếu bạn có gu nghe giọng hát mềm dẻo, ấm áp, nhạc cụ chỉ cần độ chi tiết vừa phải.
Đôi loa nghe nhạc vàng Klipsch RP-8000F chất âm hay vượt xa tầm giá
Bên cạnh 2 model loa Jamo D 590 và Klipsch RP-8000F đang gây sốt trên thị trường loa nghe nhạc vàng hiện nay bởi mức giá quá tốt so với hiệu quả âm thanh có được, bạn vẫn có thể chọn các model khác có giá thành thấp hơn như Jamo C 97 hay Klipsch RP-6000F để phù hợp với khả năng mua sắm và không gian bài trí của các bạn.
Đôi loa nghe nhạc vàng Jamo C 97 ngon bổ rẻ nhất dòng loa đời mới hiện nay.
Nhu cầu giải trí và hưởng thụ những giá trị văn hóa - văn nghệ là không thể thiếu trong đời sống tinh thần của mỗi con người. Trên đây là những chia sẻ của một thính giả đã có cả một chặng đường dài kinh nghiệm chơi thiết bị âm thanh âm thanh và yêu nhạc vàng, yêu những ca khúc trữ tình quê hương đi cùng năm tháng. Bài viết sẽ giúp ích phần nào cho các bạn đang tìm kiếm cho mình một đôi loa nghe nhạc vàng ưng ý nhất.
Chào đoàn kết và thân ái các bạn yêu nhạc vàng !
Hoàng Thiên