Monitor Audio duy trì dòng loa Silver đến phiên bản thứ 6. Trải qua một thời gian dài với nhiều cải tiến và thay đổi, đến nay Silver G6 được xem như là dòng loa có vị trí xứng đáng được ca ngợi nhất trong phân khúc loa hifi. Silver 500 là đôi loa lớn nhất trong dòng này. Nghe Nhìn Việt Nam muốn giới thiệu đến các bạn yêu nhạc một mẫu loa cán ngưỡng hiend với tầm giá dễ chịu nhưng hình thức và chất âm thì không thể chê vào đâu được.
Silver 500 có thiết kế ngoài đẹp và sang trọng với vỏ gỗ và có đến 6 màu để lựa chọn cho phù hợp sở thích và phòng nghe. Theo chúng tôi biết, tại Việt Nam, nhà phân phối hiện chỉ nhập màu Walnut, vốn được ưa chuộng nhiều hơn tại thị trường này. Những màu khác nếu khách muốn sẽ được nhập theo yêu cầu. Nếu so sánh từng điểm với dòng Silver cũ về vẻ ngoài, chúng ta nhận thấy sự khác biệt ngay giữa Silver 10 với Silver 500. Đế chân loa của Silver 10 được loại bỏ, thay vào đó 4 chân đinh gắn trực tiếp vào đáy, trả lại vẻ thanh thoát cho loa. Loa cũng được cách điệu ở phần loa mid và treble, khi hai loa này được kết nối với nhau qua một tấm hợp kim với nhiều lỗ li ti phần loa treble, khiến loa toát lên vẻ điệu nghệ, xinh xắn.
Một sự khác biệt nhận ra ngay nữa đó là, màu của màng loa cũng tối hơn cho với dòng Silver cũ, cho dù chúng vẫn dùng loại C-CAM (Ceramic-Coated Aluminium/Magnesium), hợp chất nhôm/ma-nhê được phủ gốm.
Về đặc điểm kỹ thuật giúp loa tái tạo âm thanh xuất sắc chúng ta có thể xem xét các thành phần cấu tạo cũng như các thông số sau đây:
Loa treble dùng trong Silver 500 là loại cao cấp có đường kính 25mm với màng loa bằng hợp chất hợp chất nhôm/ma-nhê được phủ gốm và mạ vàng (C-CAM Gold Dome), là một thiết kế hoàn toàn mới. Các kỹ sư cố gắng tập trung vào việc hạn chế độ méo tiếng để tạo ra âm thanh rõ nét nhưng mượt mà và không có sự chói gắt. Monitor Audio là người tiên phong đã tung ra chiếc loa treble dome mạ vàng đầu tiên hơn 30 năm trước, làm vang danh tên tuổi của hãng về chế tác dòng loa hifi đạt đến ngưỡng của những chiếc loa hiend đắt đỏ.
Loa mid có đường kính 100mm với cuộn dây được thiết kế treo bên dưới. Khi loa hoạt động cuộn coil vẫn nằm trong khoảng trống nam châm, bảo đảm độ méo tiếng thấp nhất. Hệ thống hai loa bass và mid có đường kính 200mm và đều có màng loa bằng công nghệ C-CAM, ứng dụng cả kỹ thuật RST (Rigid Surface Technology) từ dòng loa Platium. Kỹ thuật này có nguồn gốc từ môn nghệ thuật Origami, Nhật Bản. Đó là môn xếp hình cần một loại giấy đặc biệt, cực mỏng nhưng có độ dai chắc và nhẹ. Từ ý tưởng này, Monitor Audio dập màng loa có độ nén cao với nhiều lỗ lồi lõm trên bề mặt, có đặc tính hạn chế sóng đứng, đáp ứng tần số nhanh hơn.
Bộ phân tần của Silver 500 được nâng cấp để phân chia tần số lại theo 3 đường tiếng, cắt tại tần số 625 Hz cho tần số thấp/trung và 3.1kHz cho tần số trung/cao. Các loại tụ và trở dùng loại chọn lọc. Dây dẫn nối sử dụng dây đồng OFC mạ bạc.
Silver 500 có công suất RMS 250W, tần số đáp ứng từ 30Hz-35kHz, độ nhạy 90 dB và trở kháng 8 Ohm, giúp nhẹ đánh hơn so với Silver 10 vốn được thiết kế 4 Ohm.
Thùng loa của dòng Silver được làm rất công phu với những tiêu chuẩn cao nhất. Các kỹ sư đã sử dụng máy đo độ rung bằng laser chính xác cao tại Phòng Thí nghiệm Vật lý Quốc gia (National Physical Laboratory) tại London, để xác định các nút cộng hưởng trong thùng loa và tối ưu hóa các vị trí thanh giằng bên trong. Điều này chỉ có thể được thực hiện với các thiết bị có độ chính xác cao, có khả năng đo chuyển vị trong phạm vi siêu nhỏ (Mx10-6 hoặc một phần nghìn của một mm). Đây không phải là công việc phỏng đoán mà chỉ có thể tiếp cận khoa học mới giải quyết vấn đề và mang lại âm thanh tự nhiên nhất có thể.
Phối ghép và trải nghiệm
Ngoài những đặc điểm kỹ thuật tạo nên cốt cách cơ bản của một đôi loa xuất sắc, việc phối ghép với Ampli cũng góp phần tạo nên sự thành công hay không của đôi loa ấy. Hầu hết các đôi loa tầm hifi bán chạy, nhiều người ưa dùng là nhờ tính dễ phối ghép, nó không cần phải tốn kém quá nhiều cho một Ampli nhưng vẫn đem lại chất âm hay, nghe được nhiều dòng nhạc và như vậy đó mới là đôi loa hay!
Với Silver 500 chúng ta có nhiều đối tác như PMA-1600NE của Denon, Unico Secondo của Unison Research, hoặc bạo tiền có thể chơi luôn Accuphase E 270. Tuy nhiên như đã nói ở trên, sự thành công của bộ dàn chính là sự phối ghép hợp lý về mức giá nhưng vẫn khai thác triệt để khả năng trình diễn của đôi loa mà nhà sản xuất đã thiết kế. Với PMA-1600NE chúng ta có được những yếu tố này. Âm thanh khá bóc tách và trung thực. Nhờ thiết kế lại trở kháng cao 8 Ohm, giúp các Ampli đánh dễ dàng hơn. Tiếng bass mạnh chắc nhờ hai loa bass 200mm hoạt động hiệu quả, khả năng tái tạo tiếng trầm xuống sâu và lực. Các thể loại nhạc như trữ tình nghe rất tự nhiên và nhạc tính. Hiệu quả nhất là thể loại Jazz với khả năng tái tạo các nhạc cụ trung thực, đáp ứng rất tốt độ động và âm thanh rất tơi nhuyễn. Đó chính là nhờ hệ thống củ loa với màng loa đặc biệt giúp tái tạo tốt dải âm tần số trung vừa trung thực và đáp ứng chính xác tần số.
Đối với các bạn có đôi tai khó tính muốn sở hữu những bộ dàn lớn nhưng chưa đủ khả năng, chúng tôi muốn giới thiệu đến các bạn bộ loa này để các bạn có thể trải nghiệm chúng như một bước đệm trước khi “dấn thân” vào thế giới hiend vốn đầy những audiophile khó khăn và kén chọn
--------
Giá tham khảo: 44,500,000đ