Turnbery là đôi loa bán chạy nhất trong dòng Prestige của Tannoy. Ít nhất là tại thị trường Việt Nam. Nó đứng đầu trong các dòng loa hiend có khả năng đáp ứng rộng khắp các đối tượng nghe nhạc có đối tai khắt khe, kén chọn. Với “tính tình dễ chịu” khi có thể phối ghép với những ampli không cần công suất lớn nhưng vẫn trình diễn âm thanh ở mức tốt, Turnbery giờ đã là thế hệ GR ( Gold Reference) vẫn là sự lựa chọn tối ưu cho giới audiophile.
Khi nâng cấp toàn bộ các model của dòng Prestige SE thành Prestige GR, Tannoy đã lượt bỏ đi hai model đó là Sandringham SE và Yorkminster SE, chỉ phát triển tiếp các model là Westminster, Canterbury, Kensington, Turnberry và Stirling. Nền tảng của dòng loa mới này xoay quanh củ loa Monitor Gold, một loại củ loa được Tannoy phát triển cách đây 4 thập niên, dùng cho các thế hệ loa cao cấp và cải tiếng bộ phân tần cho loa có độ động tốt hơn.
Turnberry GR là đôi loa áp út. Trên nó là Kensington GR và cuối dòng là Stirling GR. Về hình dáng, Turnbery GR không khác nhiều so với Turnbery SE, chỉ thay đổi màn lưới cùng loại với Kingdom Royal. Kích thước loa cao 950, ngang 456 và sâu 336 mm, trọng lượng 30kg, tần số đạt được từ 34Hz đến 44kHz. Mặt ngoài veneer được làm bằng gỗ thật và được đánh bóng kỹ lưỡng rất tinh xảo. Màu vàng gold đậm của nó cũng mang ý nghĩa của việc làm sống lại dòng loa huyền thoại Monitor Gold cách nay mấy thập niên.
Kết cấu loa vẫn giữ nguyên truyền thống với củ loa đồng trục nhưng được thay thế bằng củ loa mới. Đó chính là củ loa của dòng Monitor Gold Dual Concentric™ đã ra đời cách đây trên 45 năm. Lúc bấy giờ củ loa này được sản xuất để dùng cho các thế hệ nổi tiếng như Lancaster, Autogragh và GRF ( là tên của nhà sáng lập công ty Guy R. Fountain). Củ loa Monitor Gold cũng là lựa chọn cho những dân chơi đồ DIY ( tự làm thùng loa). Monitor Gold Dual Concentric trở thành một trong những củ loa chủ chốt của Tannoy trong lịch sử 85 năm thành lập. Từ năm 2010, các kỹ sư của phòng R&D đã bắt đầu nâng cấp sản phẩm này và nó đã được lắp cho sản phẩm đầu bảng là Kingdom Royal. Những cải tiến ấy được áp dụng hoàn toàn hoặc có chỉnh sửa cho phù hợp với từng model của dòng Prestige GR. Cuối cùng vào giữa năm 2013 này, toàn bộ dãi sản phẩm của dòng Prestige GR hoàn thiện và đem đi trình diễn nhiều cuộc triển lãm thế giới.
Củ loa mid/bass của Turnberry GR có đường kính 250 mm, màng loa làm bằng loại giấy xử lý đặc biệt sao cho vừa nhẹ để có thể đáp ứng tốt các tần số khác nhau vừa có khả năng tái tạo âm tần số thấp chính xác. Loa treble đồng trục với loa bass được các kỹ sư nghiên cứu trong nhiều tháng, đã vượt qua dòng loa cũ khi tần số đạt đến mức 44kHz so với Turnberry SE chỉ 25 kHz mà thôi. Đây là một cải tiến thấy rõ nhất cho củ loa mới này. Màng loa treble được thay mới bằng hợp chất nhôm-ma-nhê với họng loa có đường kính 33mm , nam châm thế hệ mới, tạo ra một năng lượng dồi dào, cho âm tần số cao vượt trội hẳn so với củ loa treble thế hệ trước.
Bộ phân tần của Turnberry GR cũng được cải tiến để cho chất âm hay hơn. Cụ thể là độ động được cải thiện đáng kể khi nghe thử. Khả năng tái tạo âm mid ngọt hơn và tiếng treble tơi nhuyễn hơn rất nhiều. Linh kiện cho bộ crossover này được thay mới hoàn toàn bằng loại dùng cho audiophile. Dây dẫn dùng nối các vị trí với nhau là loại đồng nguyên chất 99,99999% thuộc loại OFC. Nhờ vào sự cải thiện này, Turnberry GR đạt được nhiều điểm vượt trội hơn so với dòng loa cũ. Khi so sánh bảng thông số kỹ thuật chúng tôi thấy rằng, công suất đề nghị đánh với Turnberry SE từ 30 W đến 180W trong khi đối với Turnberry GR thì từ 20W đến 200W. Một điểm thú vị là với Turnberry GR công suất RMS là 100W và công suất đỉnh khi phát nhạc lên đến 400W, với Turnberry SE thì công suất RMS là 110W và công suất đỉnh là 275W. Với thông số về công suất thuận lợi như vậy, giúp chúng ta sự dễ dàng chọn lựa Ampli để phối. Nếu như trước đây với Turnberry SE cần một Ampli đèn có công suất thấp nhất cũng từ 25-30W thì giờ chỉ cần 20W là có thể phối với Turnberry GR một cách dễ dàng, âm thanh vẫn đủ lực cho phòng rộng khoảng 30m2.
Khi tháo khung lưới ra khỏi loa, bên trong mỗi loa của Turnberry GR có thiết kế nút chỉnh năng lượng âm thanh loa treble. Nút chỉnh này là để chỉnh cường độ cao, bù đắp cho các đặc tính âm học khác nhau từng phòng. Nên đặt nút chỉnh này ở vị trí LEVEL khi cân chỉnh với ampli . Mỗi loa sẽ được chỉnh ở những vị trí khác nhau để đạt đến năng lượng tối ưu nhất, phù hợp với âm thanh tổng thể của dàn máy. Nút chỉnh này được thiết kế bằng một con ốc vặn. Có 5 vị trí để chúng ta thay đổi, từ –1.5, –3, LEVEL, +1.5 or +3. Điều này có nghĩa rằng, bạn sẽ tăng hay giảm nếu thấy tiếng treble quá trội hay bị mờ.
Phối ghép và nghe thử
Trước đây, với Turnberry SE thường chúng tôi được nghe với Ampli đèn với mạch class A. Có nhiều người ghép với Accuphase dùng sò như E 350, E 450. Những phối ghép như vậy đều khá hợp với dòng loa này và cho ta những chất âm khác nhau, nhưng chung qui là nghe được, không có gì để phàn nàn. Với Turnberry GR, chúng tôi vẫn tiếp tục kế thừa các phối ghép này nhưng với thế hệ Ampli mới hơn. Lần thử này, chúng tôi ghép với Ampli Sinfonia của Unison Research. Ampli này có công suất 27W, class A, tầng khuếch đại bằng 2 bóng 6550 hoặc KT88, single end, nối song song.
Phối ghép là một phần khá quan trọng cho những ai chơi dàn máy hiend. Mỗi một Ampli sẽ đem đến cho chúng ta những điều khác lạ. Tuy nhiên thường chúng ta cũng cân đối giữa giá loa và giá của Ampli, sao cho chúng khá tương quan nhau.
Điểm hay đầu tiên chúng tôi cảm nhận qua bài “Keith Don’t Go” quen thuộc do Nils Lofgren trình diễn live. Ở khúc dạo đầu, với tiếng vỗ tay và ngón đàn Guitar “ma thuật”, cái vuốt dây, gõ vào thùng rất tách bạch và rõ tiếng, có sức thuyết phục tuyệt đối. Thật khó có thể hay hơn nếu đem so với đôi loa nào tầm giá này. Với Turnberry GR, sức lan toả như rộng khắp phòng nghe có diện tích 30m2.
Bản giao hưởng “Danse Macabre” do Minnesota Orchestra trình diễn. Ở bài này, ta sẽ thử độ động của loa. Tiếng Violon lúc nhanh lúc chậm, lúc lên cao lúc xuống trầm đểu tái hiện tuyệt vời. Khả năng đáp ứng nhanh và chính xác độ biến động của âm thanh.
Vơi bản nhạc “Nardis” do Patricia Barber trong đĩa Café Blue là bạn có thể đánh giá tất cả khả năng tái tạo của đôi loa này. Tiếng treble tơi nhuyễn của Cymbal do tay trống gõ từ ngoài vào giữa, âm thanh phát ra từ nhỏ nhất đến lớn nhất được Turnberry GR thể hiện rất xuất sắc. Trong bài này chúng ta còn nghe đoạn trống dồn dập liên hồi tạo nên tiếng bass mạnh mẽ không thua kém dòng loa nào có bass riêng.
Tóm lại, có thể bạn đã nghe qua rất nhiều dòng loa của các hãng khác nhau, nhưng nếu bạn đã từng nghe qua đôi loa này bạn sẽ thừa nhận với chúng tôi một điều rằng nó khá là hoàn hảo. Riêng về mặt thiết kế bên ngoài, chúng ta ai cũng hiểu rằng đó là truyền thống, là nét chủ đạo của dòng Prestige. Suốt nhiểu thập niên, nó gần như không thay đổi, nhưng một mình chứng cho nét đẹp vượt thời gian. Không biết tương lai sau này, Tannoy có phá bỏ kiểu dáng này không, chỉ biết bây giờ, bất kỳ ai có gu thẩm mỹ cổ điển hoặc sự trang trọng với màu gỗ mộc mạc thì hình thức như Turnberry luôn là sự lựa chọn cho họ. Về khả năng trình diễn ở tầm giá này, Turnberry GR thật sự chinh phục người khá nhiều dòng nhạc, từ Jazz đến trữ tình, từ Pop đến Blue.
NGuồn : AnhDuyAudio.com