Tannoy Definition DC8, loa nhỏ đa tài
Nghe Nhìn tháng 11-2013
Giới nghe nhạc Châu Âu từng cho rằng không dòng loa nào có chất “Ăng Lê” hơn Tannoy. Với chất âm sang trọng, ấm áp và lãng mạn luôn là niềm mơ ước của không ít dân chơi Audio trên thế giới. Nâng cấp từ hệ Definition, đôi loa bookshelf DC8 vẫn giữ được chất âm rất Tannoy ấy, nhưng phù hợp với nhiều thế loại âm nhạc hơn những đôi loa Tannoy cổ vốn xuất sắc trong màn trình diễn vocal và nhạc cụ đơn chiếc.
Kiểu dáng thiết kế
DC8 có thiết kế loa đồng trục hai loa, hai đường tiếng với loa tweeter được chế tạo theo công nghệ WideBandTM (dải rộng) cùng tuyến cao rộng mở. Loa tweeter chất liệu titanium bố trí giữa tâm của driver bass, đường kính 20cm với nón loa làm bằng bột giấy ép cùng gân loa cao su mềm. Loa tweeter sử dụng họng kèn dẫn sóng, thiết kế dạng cánh hoa tuylip đặc trưng của Tannoy. Thùng loa khá lớn với chiều cao 47cm và thể tích 19 lít, lớn hơn hầu hết các cặp loa thông thường, cho phép DC8 tái tạo âm bass xuống ngưỡng dưới 40Hz. DC8 cong về phía sau theo hình bán cầu, nhằm triệt tiêu sóng đứng. Vỏ loa màu vàng cánh dán, phủ sơn mài bóng, giúp đôi loa nổi bật với vẻ đẹp sang trọng.
Tuy nhiên, DC8 vẫn giữ nguyên thiết kế loa đồng trục danh tiếng của Tannoy. Bên cạnh dòng loa BBC được nhiều studio chọn làm loa kiểm tra như: Roger, Spendor, Harbeth…thì Tannoy cũng xuất hiện từ hàng chục năm trước trong các phòng thu. Thiết kế loa này vẫn được nhiều nhạc sĩ hòa âm, phối khí tên tuổi trên thế giới (có cả Việt Nam) sử dụng để xử lý các bản phối. Bí quyết nằm ở khả năng tái hiện âm thanh chính xác khi cả loa tweeter và loa bass đều có độ tương đồng cao về pha và thời gian trong thiết kế này.
Nhằm tạo ra bộ phân tần với tín hiệu “sạch” nhất có thể, các linh kiện của bộ phận này được thiết kế theo triết lý “đơn giản, trực tiếp”, sử dụng các cuộn cảm lõi kim loại đa lớp, ít suy hao, đảm bảo phát huy tối đa màn trình diễn của dải trầm. Trong khi đó, để đảm bào chất lượng âm thanh của dải cao, DC8 sử dụng các tụ polypropylene chuẩn audiophile được xử lý sai âm với chất liệu Tannoy DMTTM. Tất cả được xử lý theo qui trình DCT-xử lý lạnh sâu nhằm đạt đến độ phân giải cao hơn, tái tạo âm thanh tự nhiên và gắn kết hơn. Trên thực tế, bộ phân tần xử lý ở nhiệt độ lạnh, xuống đến -1900C và phục hồi nhiệt độ bình thường trong khoảng thời gian theo thiết kế. Quá trình xử lý lạnh và phục hồi nhiệt độ này giúp các kết cấu phân tử bên trong linh kiện của bộ phân tần gia tăng độ ổn định, giảm thiểu ứng suất nội tại, nâng cao chất lượng truyền dẫn tín hiệu và độ chi tiết.
Phối ghép và thưởng thức
Chúng tôi sử dụng ampli Cambridge Azur 851A tích hợp class D, công suất khá lớn 120W/kênh (8 Ôm) làm thiết bị đánh cặp với DC8. Sở dĩ chúng tôi chọn ampli này do chất âm Azur 851A với thiết kế mạch công suất class D khá êm và trong trẻo, gần giống trung âm của ampli đèn-dòng sản phẩm mà loa Tannoy rất “ưa”. Ngoài ra, lý do chúng tôi không chọn ampli đèn để đánh cùng DC8 là vì tuy thuộc loại bookshelf khá lớn, song thể thích thùng của DC8 vẫn chưa thật lý tưởng để tái hiện âm trầm dày sâu mà một ampli đèn công suất nhỏ có thể tái hiện. Với kết cấu thùng loa như vậy, một chút sức mạnh ở ampli công suất là điều cần thiết. Hiện nay , giải pháp dung hòa giữa sức mạnh của ampli bán dẫn và chất mid ngọt-ấm của ampli đèn là những ampli chạy mạch Class D. Phần nguồn phát, chúng tôi sử dụng CD-DAC 15.3 của Music Hall đề nghe nhạc từ đĩa CD và file lossless.
Với bản Autumn Leaves trong phần trình diễn của Eric Clapton, hệ thống không giấu được xuất thân Tannoy: Giọng mid dày và lộ, hơi tiến về phía trước người nghe. Trong khi đó, trung âm và dãi cao nhuyễn, ngọt và êm. Giọng ca của Eric Clapton trầm buồn, ấm áp, được tái hiện đúng cả kỹ thuật ngân nga, nuốt âm theo lối hát tự sự của nghệ sĩ nhạc blues ở tuổi xế chiều. Giai điệu R&B chậm rãi với nhịp trống khoan thai, buông lơi hòa quyện với tiếng thổn thức từ cây Fender Stratocaster trong tay Eric Clapton khiến ca khúc bất tử Autum Leaves vốn được liệt vào loại nhạc buồn, nay càng bật lên màu sắc u hoài qua “hơi thở Tannoy”.
Âm thanh của cặp loa này có thể khiến người nghe chịu ngay từ đầu với những người coi âm nhạc là trên hết chứ không phải những người chăm chăm nghe để bắt lỗi thiết bị. DC8 có giọng loa ấm ngọt với độ gai mộc nhất định, nhưng không quá lộ chi tiết tiết mà có sự tiêt chế, đủ để hướng người nghe vào cảm xúc của bản nhạc hơn là bóc tách bản phối theo lối kỹ thuật. Nếu so với những dòng thấp hơn như: Mercury, Precision, Revolution…thì âm thanh của Definition nói chung và DC8 nói riêng vẫn chi tiết, bong tách, khoáng đạt hơn.
Bản Take Five trong album Time Out của nhóm tứ tấu Dave Brubeck là bản phối mẫu mực cả về chất lượng bản ghi được DC8 chơi với tinh thần vừa phóng khoáng, vừa lãng mạn của Jazz. Tiếng chổi sắt xào xạc trên symbal tạo ra âm thanh lanh tanh tinh tế được loa treble của DC8 tái hiện tơi nhuyễn, mềm mại. Ở bản phối này, cây piano của Dave Brubeck chỉ giữ vai phụ, chơi một số hợp âm nhất định làm bè đệm cho tiếng kèn saxo chơi giai điệu chính. Đúng như sự mong đợi, tiếng saxo nổi trên nền nhạc với âm hình rõ khiến người nghe cảm nhận được vị trí góc tỏa âm của miệng kèn, một khoảng cách tương đối khi so với vị trí của hai cặp loa. Tiếng kèn dày và ngọt, DC8 “chơi” saxo không quá chi tiết mà để cho tiếng kèn phiêu trên nền nhạc lấy cảm hứng cho người nghe là chính. Giọng mid-high và âm treble uyển chuyển, không chói gắt khi được phối ghép đúng cách. ở đoạn solo trống, tiếng run của màng trống ở các turn khác nhau, có cao độ khác nhau, được tái hiện tự nhiên, cho người nghe cảm nhận độ rung, độ đanh của từng turn trống, âm lan tỏa. Song cảm giác này chưa thật rõ ràng như ở một số cặp loa lớn với driver riêng phụ trách dải mid.
Chuyển sang các album tân nhạc của Việt Nam, DC8 đủ sức chơi hay hầu hết bản tình ca nhạc Việt. Bởi các bản phối tân nhạc phần lớn hưởng người nghe vào cảm xúc lãng mạn, nồng nàn, vốn là “giọng” của DC8. BảnNiệm khúc cuối với tiếng hát của Sĩ Phú nhẹ nhàng đưa đẩy cảm xúc đến người nghe một cách tự nhiên, đúng với lối hát đầy ngẫu hứng của chàng ca sĩ tài hoa, nhưng bạc phận. Giọng ca ấm đượm chan chứa cảm xúc của Sĩ Phú giữ nguyên nét quý phái, kể cả những nối luyến điệu nghệ đầy chất “Sĩ Phú”.
Âm bass khá ấn tượng với cặp loa bookshelf có lẽ nhờ kich thước khá lớn (đường kính 20cm). Những âm trầm sâu nhất có thể xuống dưới ngưỡng 40Hz, tạo sức lan tỏa nhất định. Tương đồng với màu âm ấm, ngọt của dải trên, âm bass êm và nhẹ nhàng, phù hợp với thể loại nhạc chậm. Không phải là ngoại lệ so với phần lớn dòng loa Tannoy, âm trầm không tập trung tái tạo về tốc độ, nên cặp loa này không thật phù hợp với các thể loại nhạc cần tái tạo những beat đập chắc mạnh với những cú giật tốc độ của rock, dance, pop. “Chơi khó” DC8, chúng tôi bật bản hit những năm 1980, I want to break free của Queen. Âm nhạc quá êm dịu, mượt mà. Dù vẫn nẫy lên toàn bộ chi tiết của bản nhạc, nhưng vẫn giống như romance hơn là bản rock and roll trộn lẫn beat của dance được chơi một cách tưng bừng. Tuy nhiên, khi nghe với dòng nhạc phù hợp, nó vẫn khiến người thỏa mãn nhờ sự cân bằng giữa các dải âm, từ cao đến thấp. Nhạc phẩm Beat Hotel của Allan Taylor với tiếng acoustic bass sâu được hệ thống trình bày khá ổn. Cặp bass 20cm cũng tạo được âm trầm dày, êm, lan tỏa, nhưng không bùng nhùng.
Chất giọng của DC8 có thể làm hài lòng những người ưa gu ngọt ngào, dễ nghe và thích nhạc tình. Song với một số gu nghe nhạc khác, thiên về chi tiết hoặc đòi hỏi độ thô mộc, “cơ bắp”, DC8 chưa thể đáp ứng. Vì thể cặp loa này không hẳn là dòng loa trung tính, mà nó chơi nhạc với màu âm riêng biệt. Ưu điểm của DC8 là dễ nghe và có thể nghe với nhiều thể loại nhạc khác nhau.
Giá tham khảo : 52,5 triệu đồng