Nhà máy Denon Nhật Bản, ngày xưa và bây giờ

Nguyễn An ( Nghe Nhìn Việt Nam tháng 9 năm 2012)

Có lẽ bạn sẽ nghĩ rằng tôi lại mô tả một nhà máy với bao nhiêu công nhân, bao nhiêu dây chuyền lắp đặt, rồi phòng R&D, phòng QC… Vâng, tất cả nhà máy sản xuất thiết bị điện tử trên thế giới chắc hẳn phải có đầy đủ các bộ phận đó, huống chi đây là nước Nhật, nơi mà các chi tiết kỹ thuật cao trong tàu vũ trụ của Mỹ phải đặt hàng từ các nhà máy tại đây. Vậy nên những gì tôi ghi lại không hẳn từng ấy. Denon vừa kỷ niệm 100 năm ngày thành lập hãng vào năm 2010. Với một bề dày niên đại như vậy, ắt hẳn lịch sử sẽ chứng kiến qua bao nhiêu là thay đổi, bao nhiêu điều để chúng ta nhìn nhận và đánh giá

 

 

Khuôn viên nhà máy Denon tại Shirakawa

Có lẽ bạn sẽ nghĩ rằng tôi lại mô tả một nhà máy với bao nhiêu công nhân, bao nhiêu dây chuyền lắp đặt, rồi phòng R&D, phòng QC… Vâng, tất cả nhà máy sản xuất thiết bị điện tử trên thế giới chắc hẳn phải có đầy đủ các bộ phận đó, huống chi đây là nước Nhật, nơi mà các chi tiết kỹ thuật cao trong tàu vũ trụ của Mỹ phải đặt hàng từ các nhà máy tại đây. Vậy nên những gì tôi ghi lại không hẳn từng ấy. Denon vừa kỷ niệm 100 năm ngày thành lập hãng vào năm 2010. Với một bề dày niên đại như vậy, ắt hẳn lịch sử sẽ chứng kiến qua bao nhiêu là thay đổi, bao nhiêu điều để chúng ta nhìn nhận và đánh giá.

Denon ngày xưa gắn liền với nhiều phát minh đầu tiên

 

Nhà máy Denon tại Kawasaki năm 1910 ( hình scan lại từ báo)

Theo tư liệu lưu trữ trên website, mục ảnh tư liệu lịch sử, nhà máy Denon được xây dựng năm 1910 tại thành phố Kawasaki, qua bao nhiêu lần thay đổi, vào năm 1983 nhà máy được chuyển về trên một đồi nhỏ ở thành phố Shirakawa thuộc tỉnh Fukushima, cách tòa nhà văn phòng Denon ở Kawasaki 200 km. Có lẽ người ta quyết định xây dựng nhà máy trên một ngọn đồi cũng không nằm ngoài mục đích là để tránh những trận lụt, hoặc sóng thần nếu như điều đó xảy ra. Một đất nước mà tần suất động đất nhiều vào hàng bậc nhất thế giới thì mọi tính toán đều có liên quan đến vấn đề này.

Lịch sử của Denon để lại với dấu ấn của khá nhiều những phát minh đầu tiên trong nước và thế giới.

Năm 1939 chính Denon là hãng đầu tiên chế tạo thành công máy ghi đĩa phono dùng trong ngành truyền thông. Năm 1951 chính thức bán máy ghi đĩa LP đầu tiên của Nhật Bản. Rồi đến năm 1972, lần đầu tiên trên thế giới biết đến máy ghi âm bằng kỹ thuật số có thể ghi được 8 kênh cùng lúc. Năm 1995 là hãng đầu tiên thế giới sản xuất hệ thống xem phim gia đình với ampli giải mã định dạng Dolby AC3 và được chứng nhận THX 5.1. Sau đó 4 năm ( 1999) cũng chính Denon đạt luôn chứng nhận về chuẩn THX-EX. Năm 2001 trình làng bộ Mini 5.1 kênh đầu tiên tại Nhật và  năm 2008 Denon sản xuất đầu máy tích hợp tất cả từ Bluray, SACD, D-Audio đầu tiên thế giới.

Như vậy có thể thấy rằng, lịch sử ngành audio thế giới nói chung và Nhật nói riêng, luôn có dấu ấn của Denon trong từ cột mốc phát triển.

Denon ngày nay, hiện đại kết hợp truyền thống

 

 

Phái đoàn tứ các nước Đông Nam Á thăm nhà máy Denon

 

Một trong những cuộc cách mạng mạnh mẽ nhất của các nhà máy công nghiệp trên thế giới là di chuyển (outsourcing) bộ phận lắp đặt ra khỏi nơi nó từng khai sinh, đến các nước có lao động giá rẻ. Điều này làm cho các hãng tiết kiệm rất nhiều chi phí về nhân công và các dịch vụ khác. Và như vậy giá thành của sản phẩm sẽ rất cạnh tranh. Tuy nhiên hiện nay một số chính phủ các nước than phiền đây cũng chính là nguyên nhân làm tỷ lệ thất nghiệp trong nước tăng và một số vấn đề rắc rối liên quan như bảo mật công nghệ và chất lượng sản phẩm.  Denon cũng có nhà máy tại một số nước khác nhưng đã cố gắng giữ lại nhà máy của mình tại Nhật với mục đích sản xuất những sản phẩm giá trị cao và cung cấp nhu cầu nội địa.

 

Tại nhà máy Denon ở Shirakawa, những sản phẩm mới sẽ gởi mẫu về phòng thử ở Kawasaki. Nơi đây có nhiều phòng thử cho những sản phẩm khác nhau. Riêng dòng hiend được chuyên gia thẩm âm, ông Susumu Yoneda, nghe bằng chính đôi tai của mình). Ông Susumu Yoneda giữ chức vụ giám đốc âm thanh ( sound manager) nhưng xuất thân là một kỹ sư âm thanh. Dáng người ông nhỏ thấp nhưng toát lên vẻ thanh tao của một người rủ bỏ mọi phiền trượt cuộc sống để vừa chuyên tâm với nghề mà cũng chính là niềm vui của ông. Tôi cũng được mời để nghe thử bộ PMA-SX ( sản phẩm nội địa Nhật) và được ông “ chỉ giáo” cho đôi điều căn cơ về phương pháp phân tích tính chi tiết của âm thanh.

 

Từ khách sạn Sunroute Shirakawa nơi chúng tôi tạm trú, nhìn về hướng đồi, có thể thấy nhà máy Denon với logo to nằm bên ngoài nhà máy. Mất khoảng 10 phút taxi, chúng tôi được tận máy tham quan nhà máy có bề dày lịch sử nhất của Nhật Bản.

 

Trên đường đi đến nhà máy Denon, ngồi trên tàu điện, tôi hình dung về một nơi mà chỉ còn vài nhân viên làm việc trong phòng R&D ( nghiên cứu và phát triển), vài chục nhân viên lắp ráp cho các thiết bị hiend và tự hỏi mình sẽ làm gì khi đến đó. Nhưng thật bất ngờ, trước mắt chúng tôi là một cơ ngơi bề thế, chiếm trọn hết một ngọn đồi có diện tích ước chừng gần 90,000m2. Được biết diện tích xây dựng nhà máy là 33,840m2 trong đó bao gồm các hạng mục như xưởng lắp ráp AV product, hiend, hifi, một nhà máy riêng để sản xuất các thiết bị như đâu cartridge đĩa than.

 

Sau trận động đất hồi đầu năm 2011, thành phố Shirakawa cũng bị thiệt hại. Riêng nhà máy Denon cũng đóng cửa một tuần để thu dọn những đổ vỡ do ảnh hưởng từ rung lắc.

Chúng tôi được đón tiếp khá chu đáo và có một lịch trình khép kín. Tại phòng tiếp khách, bằng máy chiếu, chúng tôi được giới thiệu sơ qua toàn bộ phân khu chức năng nhà máy và chỉ định nơi sẽ tham quan.  


Chúng tôi được xem qua lịch trình các bộ phận được viếng thăm và được giám đốc nhà máy cho biết sơ qua tổng quan nhà máy. Trong đó tôi chú ý đến thông tin về tình hình sản xuất của Denon hiện này. Con số trên màn hình cho thấy, tại nhà máy này số lượng ampli receiver hi-end chiếm 24%, đầu CD chiếm 20%, ampli hifi 23%. Còn lại là hàng chuyên dụng như máy thu âm 14%, đầu cartridge 5 %, đầu DJ 5 %, còn 7% là sản xuất OEM cho các hãng khác trong đó có cách mạch khuếch đại công suất cho hãng loa Bose.

Khu vực đầu tiên là dây chuyền SMT/IM. Tại đây bao gồm 6 hàng robot cắm linh kiện tự động. Lần đầu tiên nếu ai thấy những máy như vậy chắc hẳn rất là thán phục. Công nghệ này gọi là SMT ( Surface Mount Technology). Các người máy  thực hiện các động tác với tốc độ nhanh như chớp, chính xác cao không thể tưởng, để gắn các linh kiện cực nhỏ trên bề mặt của bo mạch. Công nghệ này không mới đối với các nước có nền công nghiệp tiên tiến, thay thế công nghệ đục xuyên lỗ xưa cũ vốn không còn thích hợp trong việc chế tạo các bo mạch với rất nhiều linh kiện như trở, tụ, chip xử lý, IC…

Tiếp theo khu vực xử lý bo mạch, PCB Process ( Printed Ciruit Board). Giai đoạn này có một phận cắm linh kiện bằng tay, chẳng hạn như biến áp, các jack nối, sau đó chuyển qua máy nhúng chì tự động. tiếp

theo là bo mạch chạy vào máy kiểm tra bằng sóng hình ảnh. Các máy kiểm tra bằng quang học AOI (automated Optical Inspection) và X-Ray giúp phát hiện các lỗi vị trí, lỗi tiếp xúc của các linh kiện và kem hàn trên bề mặt của mạch in. 

Khâu cuối cùng của dây chuyền là bộ phận FA Process ( Final Assemble). Tại đây gồm có 11 dây chuyền kiểm tra, cân chỉnh lần cuối cùng để cho ra sản phẩm.


Ampli PMA-2010AE trong gian đoạn FA trước khi ra băng chuyền đóng gói

Chiến lược của Denon là cố gắng đi đầu trong việc ứng dụng các công nghệ mới nhất trong các sản phầm thuộc dòng bộ dàn mini tích hợp nhiều tính năng, sản phẩm nghe nhìn gia đình như ampli receiver và đầu phát Bluray. Để có được một sản phẩm có tính toàn cầu, thật sự là một điều không đơn giản.  Những năm qua chúng ta thấy Denon ứng dụng triệt để các thành quả từ công nghệ IT như internet, liên kết với Apple để tích hợp Airplay vào sản phẩm, hiện nay độ phân giải mới nhất của chuẩn hình là 4k cũng được Denon đưa vào sản phẩm đầu phát và ampli receiver. Có thể xem như đây là “ hiện đại” hóa sản phẩm dành cho gia đình.

Chúng tôi được hướng dẫn qua khu nhà máy sản xuất đầu đĩa phono. Sau khi đi một vòng chúng tôi dừng lại căn phòng có 2 cô gái nhỏ nhắn, đang ngồi chăm chú làm việc. Điều thú vị là chúng tôi tận mắt chứng kiến qui trình sản xuất đầu cartridge bé nhỏ DL-103 “ huyền thoại” của Denon. Đây là đầu cartridge được thế giới xem như một huyền thoại sống ( living legend) trong lịch sử ngành audio thế giới. Vào năm 1963 Denon hợp tác với phòng nghiên cứu kỹ thuật tập đoàn truyền thanh Nhật, lần đầu tiên chế tạo thành công đầu cartridge MC ( Moving Coil) chất lượng cao. Mãi đến hôm nay, khi chúng tôi đến thăm, thì chỉ với hai cô gái trẻ nhó bé, bốn bàn tay khéo léo, cần mẫn và tập trung, ngồi bên chiếc máy quấn cuộn dây với hệ thống đo vòng kỹ thuật số, làm ra một sản phẩm truyền thống mà tất cả audiophile trên thế giới tin dùng!

Quấn dây cho đâu Cartridge DL-103

Tạm biệt khu vực này, đoàn được dẫn qua một hành lang rộng chừng 2 mét, qua một khu gọi là Viện bảo tàng Denon ( Denon Museum). Đây là một ngạc nhiên cho tất cả chúng tôi vì nó không nằm trong lịch trình thăm viếng. Tôi chỉ muốn đứng lại khu vực này thật lâu. Cá nhân tôi, không chỉ với bổn phận của một người viết lách cho tạp chí Nghe Nhìn,  mà với tâm trạng của một người yêu nhạc, mê máy, bao nhiêu cảm xúc dâng lên. Thời gian như quay về mà không biết về đến thưở nào(?). Biết làm sao được, khi tuổi đời của sản phẩm nằm trong những tủ kiếng kéo rèm vải kia, có số tuổi bằng gấp đôi số tuổi tôi và có thể hơn. Khu vực này trưng bày có dụng ý tính theo năm. Bắt đầu là một chiếc tủ với sản phẩm có niên đại gần 100 năm. Đó là chính chiếc máy quay đĩa dùng vào những ngày đầu trong ngành truyền thanh Nhật Bản, kéo dài cho đến những sản phẩm quá quen thuộc với người Việt chúng ta như ampli 2 kênh PMA-890D, rồi PMA-1500 II và kia là đầu phát bị săn lùng nhiều nhất của dân chơi hàng cũ, đầu CD 1650. Quá nhiều và nhiều những dấu ấn một thời nằm đây. Tôi không đủ thời gian để nhìn ngắm và suy tưởng,  bèn xách máy ảnh lên làm liên tục để còn về lục lại niên sử của từng sản phẩm mà giới thiệu đến bạn đọc.

Tủ trưng bày các ampli thập niên 1970

Trên đường trở lại quê nhà, tôi vẫn còn nguyên vẹn cảm xúc thăm nhà máy Denon. Vâng, với tôi 100 năm để gầy dựng, phát triển một thương hiệu như Denon quả là điều quá lớn lao với tôi. Hơn thế nữa nó lại nhà máy sản xuất ra những sản phẩm dành cho những người yêu nhạc, cho những người yêu chuộng âm thanh đẹp. Họ là những vị quan tòa khó tính để phán xét những thành quả của Denon. Và Denon nếu không có một truyền thống, một có gì đó đặc biệt, ắt hẳn sẽ cũng như vô vàn như nhà máy khác, thậm chí hiện đại hơn đang có mặt trên khắp thế giới.

Một số hình ảnh chụp từ bảo tàng Denon-Nhật

Một máy phát đĩa CD

Máy ghi âm dùng kỹ thuật số đầu tiên ( 1977) DN-023R

 

Sản phẩm đã xem