Mô tả hình dáng
Vì mô phỏng theo toà nhà tháp đôi nên nhìn toàn tể cấu trúc phần trên của ampli khiến ta liên tưởng đến một cụm các khối cao ốc nằm xung quanh hai toà tháp này. Cái mà ta gọi là tháp đôi chính là hai tấm giải nhiệt cho sò công suất được cách điệu thành hai “toà nhà cao tầng”. Những “nhà cao tầng” khác chính là các biến áp nguồn và xuất âm được bọc inox. Nằm cạnh đó là 4 tụ lọc to tổ chảng màu đỏ chói, tương phản một cách thú vị với nhưng cột đen kế cận.
Khung sườn máy được làm bằng gỗ. Chính xác hơn là hai bên má máy. Loại gỗ đặc biệt khi đánh bóng, ánh lên màu đỏ rất khác lạ và ấn tượng. Mặt trước làm bằng loại hợp kim sáng loáng, khi ánh đèn hắt xuống, các linh kiện trên máy soi mình vào, trông cứ như nhà phố soi mình xuống lòng sông. Volume và nút vặn chọn ngõ vào bằng đồng, được bố trí chếch hẳn về bên phải của máy. Không có nút chỉnh balance. Bên trái chỉ là logo của hãng. Đơn giản nhưng rất sang trọng.
Vì có một kiểu dáng “sexy” như vậy, khiến ai thoạt nhìn nghĩ ngay đó là ampli bóng đèn chứ không biết đây chỉ là một chiếc ampli dòng hybrid mà thôi.
Kết cấu mạch điện
Về cấu trúc mạch điện, TT được thiết kếhoàn toàn class A cho cả tiền khuếch đại và công suất. Phần tiền khuếch đại được thiết kế bằng hai bóng đèn có mã số là 12AX7 với mạch hồi tiếp âm là Zero, thúc trực tiếp vào phần công suất với các transitor MOSFET. Và đây chính là “linh hồn” của modoel TT, làm nó trở thành một “ huyền thoại” trong thế giới Hi End với tên gọi có đăng ký bản quyền là INPOL® ( tiếng Ý: Inseguitore a Pompa Linear = Linear Pump Tracker).
Lý do tại sao mà chiếc ampli này trở nên nổi tiếng với mạch khuếch đại INPOL® lại là một câu chuyện. Khởi thủy là kỹ sư thiết kế mạch điện Biritano, sau nhiều đêm mất ngủ, suy nghỉ làm sao âm thanh được tái tạo có được chất tự nhiên, giàu nhạc tính của bóng đèn cùng với sự mạnh mẽ, khả năng đáp ứng nhanh của lợi thế dòng MOSFET. Do vậy ông đã có một quyết định táo bạo, thay đổi tối đa các thiết kế truyền thống, thay vào đó là mạch điện kết hợp giữa bóng đèn và transitor MOSFET. Sự kết hợp này, hiện nay cũng có một số hãng thực hiện, nhưng có thể nói, Pathos Acoustic là một trong những hãng đầu tiên và kiên trì theo đuổi loại mạch “lai” này.
Như hầu hết các hãng, bản vẽ mạch chi tiết là bí mật hoàn toàn. Chúng tôi chỉ có thể tiếp cận “ bí kíp” này bằng sự quan sát thực tế máy. Có 3 sò MOSFET mỗi bên. Hai trong số đó lại là loại NPN ( transitor nghịch). Theo Biritano thì dòng transitor NPN cho chất âm nghe hay hơn loại PNP. Có thể ông ta hơi duy lý, nhưng bằng những gì ông thể hiện đối với chiếc ampli này, thì người nghe có niềm tin vào giá trị cũng như chất lượng âm thanh mà TT trình diễn.
Như chúng ta biết thiết kế mạch điện class A trong một điều kiện bảo đảm sựthẩm mỹ, cấu hình nhỏ gọn là việc làm khó khăn. Vì mạch hoạt động liên tục ngay cả khi không phát nhạc nên sò công suất toả nhiệt cực nóng, cần phải lắp cánh toả nhiệt lớn để làm mát nếu không khi sò nóng quá sẽ làm sai lệch các đặc tính của linh kiện bán dẫn. Mặt khác, để có công suất 35 W ra loa cần phải cung cấp một công suất tiêu thụ 140 W cung cấp cho toàn mạch. Đó là lý do tại sao ta thấy ampli TT có công suất tiêu thụ đến 240 W trong khi công suất ra loa chỉ có 35 W x 2 kênh. Như vậy để đảm bảo phần cấp nguồn đủ mạnh, TT được trang bị một biến áp nguồn cực lớn nhằm cung cấp một điện áp ổn định nhất cho toàn bộ máy.
Làm thế nào để thiết kế mạch công suất với 35 W (8 Ohm) mỗi kênh chỉ với 3 sò MOSFET lại chạy mạch single-end class A? Điều này đòi hỏi kỹ sư thiết kế vận dụng rất nhiều đến công đoạn chế tạo biến thế xuất âm. Theo đó, hai biến thế xuất âm của TT hoạt động như hai máy phát điện, tăng cường hiệu quả công suất cùng với sò 3 sò MOSFET bắt song song với nhau. Theo Gianni, biến thế xuất âm dùng trong mạch class A single ended làm tăng gấp đôi điện áp đỉnh ra loa và tăng hiệu suất sò công suất lên 50% ( thay vì 25% trong hầu hết mạch class A).
Trở kháng ra loa cực thấp chỉ 0.07 Ohm,, ảnh hưởng tốt cho các đáp tuyếnđối với một vài dòng loa. Đó là làm tăng tính trung thực của tiếng Mid, nới rộng dãi tần số cao.
Thiết kế mặt sau của máy khá đơn giản. Chỉ có 4 ngõ vào cho CD, AUX, TAPE và CD cùng với 1 ngõ ra. Tất cả đều là dạng RCA. Phần trạm cắm loa là loại dùng đang năng có thể cắm đầu bắp chuối hoặc vặn, mạ vàng 24K.
Chiếc remote cũng điệu đàng không kém khi vỏ được làm bằng gỗ với hai phím bấm volume tăng giảm, một phím chọn ngõ vào và phím tắt mở.
Khả năng trình diễn
Với một ampli như TT của Pathos, việc tìm loa phối ghép không có gì khó khăn. Lần này chúng tôi quyết định chọn Elipsa của Sonus Faber, một “người đồng hương” vùngVicenza, Ý của Pathos Acoustic. Cặp loa Elipsa này có trở kháng 4 Ohm, công suất lên đến 300 W, được cho là một trong những cặp “khó trị” nhất hiện nay.
Bật máy lên, hãy để cho máy làm nóng khoảng 1 phút. Thật ra chỉ là để cho công việc đốt tim của hai bóng đèn tiền khuếch đại ổn định.
Nhận định đầu tiên cho TT là sự mạnh mẽ vượt trội nhờ mạch class A có công suất 35W. Âm thanh ấm áp mượt mà là đánh giá kế tiếp cho “tháp đôi” này. Dấu ấn của mạch single ended chính là sự tái tạo âm thanh tự nhiên và giàu nhạc tính. Giai điệu du dương khiến ta liên tưởng đến âm thanh của những ampli chạy thuần bóng đèn. Tiếng bass căng nhưng thật mềm đó là bằng chứng của sức mạnh của mạch class A. Sò MOSFET làm việc hiệu trên nhưng tiết tấu nhanh của những bài nhạc pop.
Khả năng thể hiện tính biến động âm thanh được thể hiện quá tốt. Sự trung thực của tính biến động âm thanh (Dynamic Fidelity) là khả năng tái tạo lại một cách chính xác và khác biệt giữa những tiếng động lớn và những tiếng động rất nhỏ - Nguồn: "Khái niệm cơ bản về tính trung thực âm thanh-KA” .
Thường có không nhiều những dàn máy có thể cùng lúc tái tạo chính xác trọn vẹn tất cả các loại âm thanh trong một bản nhạc. Tuy nhiên, ampli TT thực hiện khả năng này khá hoàn hảo. Với bài The Jesus met Woman, những tiếng vuốt đàn nhẹ trong đoạn intro, tiếng thở lấy hơi trước khi bắt đầu hát của cố danh ca Dave Van Ronk trong “xuất phẩm” để đời High Endition, Volume 5, được thể hiện rõ như có thể sờ được.
Có thể nói Pathos Acoustic đặt niềm tin vào TT rất nhiều. Chẳng thế mả sản phẩm ra đời cách đây trên 10 năm, từ phiên bản TT cho đến TTRR rồi TT Anniversary. Chỉ thay đổi chút ít kết cấu nhưng hoàn toàn vẫn giữ nguyên mạch điện. Sự tồn tại lâu năm như thêm một bằng chứng nữa cho thấy Model TT của Pathos quả là xứng danh trong thế giới Hi-end.