Trong các câu hỏi gửi về tòa soạn, chúng tôi nhận được nhiều thắc mắc từ độc giả liên quan đến chọn loa nghe nhạc nhạc vàng. Đây cũng là gu nghe nhạc khá phổ biến của người Việt. Trong bài viết dưới đây, chúng tôi sẽ chia sẻ với độc giả về đề tài thú vị trên.Nguyễn An
Nhạc vàng là nhạc gì?
Trước tiên chúng ta hãy tìm hiểu về thể loại nhạc vàng để hiểu được tại sao cần chọn loa thích hợp nếu muốn có màn trình diễn âm thanh hay. Theo định nghĩa chung được nhiều người thừa nhận, nhạc vàng là dòng Tân nhạc Việt Nam ra đời những năm 1960 với lời ca trữ tình, bình dân được viết trên những giai điệu nhẹ nhàng như: Boléro, Rumba, Ballade... Trong đó phổ biến nhất là Boléro. Tuy nhiên khái niệm nhạc vàng chỉ nên hiểu là nhóm nhỏ trong dòng nhạc trữ tình vốn trải dài và rộng từ thời gian sáng tác đến thể loại chứ không dừng lại ở giai đoạn cụ thể hoặc ở một số giai điệu nhất định.
Nhiều nhạc sĩ chuyên về dòng nhạc trữ tình mà chỉ nghe tên có thể biết được âm điệu bài hát. Cố nhạc sĩ Thanh Sơn, nhạc sĩ Lam Phương, Trúc Phương, cố nhạc sĩ Châu Kỳ chuyên dòng nhạc Boléro. Nhạc của Phạm Duy, Ngô Thụy Miên, Phạm Đình Chương, Phạm Đình Cương mang hơi hướng hàn lâm, trong trẻo. Những người yêu thích dòng nhạc truyền thống hẳn sẽ thích các nhạc phẩm trữ tình nổi tiếng mang đậm âm hưởng dân ca như Thư Tình Cuối Mùa Thu của Phan Huỳnh Điểu, Vàm Cỏ Đông của Trương Quang Lục. Trong khi đó, nhạc của Võ Đông Điền, Tô Thanh Tùng lại đa dạng về giai điệu và phong cách biểu hiện.
Trên thực tế, phần nhiều nội dung nhạc phẩm trữ tình kể về một câu chuyện, có thể là tình yêu, tình quê hương, tình cha con, tình mẹ. Tiết tấu chậm và nhẹ nhàng. Các nhạc cụ đệm là bộ trống, guitar bass và keyboard. Tuy nhiên, với sự phát triển của ngành công nghệ hòa âm và thu thanh, giờ đây, chúng ta có thể đưa vào bản hòa âm nhiều nhạc cụ, nhiều âm thanh mới nhằm tăng tính hấp dẫn của bài nhạc. Thậm chí, các album nhạc vàng hiện còn có sự góp mặt của nhiều nhạc cụ dân tộc như: đàn tranh, đàn bầu, đàn cò, sáo trúc... kết hợp với các nhạc cụ phương Tây như: saxophone, cello, violon…
Do thiết bị và công nghệ thu âm ở Việt Nam có khoảng cách khá xa so với Mỹ và châu Âu, nên chất lượng âm thanh do các hãng đĩa trong nước sản xuất còn hạn chế. Các giọng ca Như Quỳnh, Hương Lan, Mai Thiên Vân, Quang Lê, Đan Nguyên, Chế Linh, Ngọc Hạ… nổi danh trong dòng nhạc này một phần nhờ các phòng thu chuyên nghiệp ở nước ngoài. Dường như người nghe nhạc vàng chưa chú ý nhiều đến các hãng sản xuất đĩa. Phần lớn, họ quan tâm đến ca sĩ nhiều hơn hãng thu âm. Tuy nhiên, những người coi trọng chất lượng âm thanh và sở hữu dàn máy tốt nên chú ý đến vấn đề này. Bởi nguồn nhạc đóng vai trò quan trọng để có thể mang đến chất âm đạt chuẩn.
Xu hướng nghe nhạc trữ tình và chọn loa phù hợp
Nhạc vàng sử dụng khá nhiều nhạc cụ cho hòa âm mà phần nhiều quen thuộc với người nghe. Nghe ra thì cũng dễ nhận biết chứ không khó phân biệt như trong các đĩa hòa nhạc hoặc đơn điệu như dance, không ồn ào như rock hoặc pop cũng không khó nghe như jazz.
Người nghe nhạc trữ tình thường có xu hướng thích sự mềm mại ấm áp của giọng hát, sự sâu lắng của bè trầm, sự da diết của tiếng đàn. Với người Việt Nam, phần lớn vẫn thích có dải âm trầm ấm được tái tạo từ trống, tiếng guitar bass, sự réo rắt của đàn tranh ở các đoạn dạo đầu và giữa của bài nhạc, tiếng nỉ non, mênh mang của đàn bầu. Và hơn hết là giọng ca ngọt ngào của ca sĩ. Tuy nhiên, không phải hệ thống âm thanh nào cũng đáp ứng được yêu cầu trên. Nhiều câu hỏi và thảo luận xuất hiện trên các diễn đàn âm thanh xoay quanh nhu cầu nghe nhạc vàng và chơi loa gì cho phù hợp.
Đầu tiên phải khẳng định: đôi loa tốt là cặp loa có thể tái hiện trung thực nhất âm thanh của nguồn âm, tức là âm thanh của đĩa nhạc, được giải mã bởi đầu đọc và khuếch đại qua tăng âm. Như vậy, trước khi chọn loa, người chơi cần biết nên sở hữu nguồn phát nào để hệ thống tái hiện âm nhạc quyến rũ nhất.
Về nguồn phát, có lẽ người chơi không nên chọn đầu đọc đắt tiền sử dụng công nghệ tối tân. Do nhạc vàng thiên về giai điệu tổng thể, nên không đòi hỏi độ chi tiết cao mà cần sự hòa quện ở dải trung trầm. Những đầu đọc thế hệ cũ của Nhật Bản như: Marantz CD 94, CD 95, CD 16, CD 63 KI... hoặc Philips LHH 500, LHH 600, LHH 700... có thể đáp ứng yêu cầu trên. Người dùng cũng có thể sử dụng đầu đọc của Sony (R1, R3, 777ESJ…), Pioneer (T05, T 06, T 07…), Revox B225… Ngoài ra phải kể đến đầu đọc sử dụng bộ cơ của Philips và giải mã TDA cho chất âm ấm, ngọt với trung âm khá dày.
Ngoài ra, người nghe nhạc vàng còn có thể sử dụng những nguồn âm khác như: băng cối (Reel to Reel), băng cassette... Song với những nguồn phát này, người chơi sẽ gặp khó khăn khi sưu tập chương trình do hầu hết băng gốc đã thất truyền. Trong khi đó, chất âm của băng sao in mà dân chơi thường gọi là Fx (x có thể là 1, 2, 3… tượng trưng cho thế hệ của bản sao) khá tồi. Vì thế, người chơi nên đầu tư vào nguồn âm CD và nguồn nhạc lossless với những bản ghi hiếm.
Chuyển sang chọn loa, có hai lựa chọn để người nghe nhạc vàng phân biệt: Hoặc chơi những dòng loa cổ, phù hợp để tái hiện âm nhạc ám màu thời gian hoặc đầu tư đôi loa đời mới có chất âm phù hợp. Giới chơi máy, nghe nhạc vẫn xưng tụng AR (Acoustic Research - Mỹ) và Celestion (Anh) như hai dòng loa cổ, hợp với nhạc vàng. Một số mẫu loa phổ biến trên thị trường gồm AR 4, AR 2, AR 3 và AR 9. Nếu đủ không gian, người chơi nên đầu tư cặp AR 3 hoặc AR 9. Đây là những bộ loa cổ quý hiếm, tạo nên tên tuổi cho AR. Loa có giọng hát trong trẻo, treble tơi mảnh và âm bass sâu, nhanh với độ lan tỏa lớn. Chuyển sang Celestion, người chơi chuộng nhất dòng Ditton, trong đó có thể kể đến Ditton 15, Ditton 22, Ditton 33, Ditton 44, Ditton 66 và Ditton 88 (cực hiếm). Mang đặc trưng của loa Anh, Celestion Ditton có chất giọng tinh tế, sang trọng, nhưng không kém phần nồng nàn, say đắm. Giọng hát, nhạc cụ tái hiện qua những cặp loa này tự nhiên, ấm áp và bay bổng. Điểm chung của chúng là nhạc tính cao - chất thơ không thể thiếu để bản nhạc Boléro thăng hoa.
Ngoài ra, người chơi có thể tham khảo thêm một số dòng loa cổ khác có thể chơi nhạc vàng hay như: KLH, Allison, TDL, Wharfedale, Spendor… Tuy nhiên, chơi loa cổ cũng giống như đi câu. Không phải lúc nào cũng chọn được đôi loa tốt, ưng ý do thời gian khiến các bộ phận của loa lão hóa, làm thay đổi trị số hoạt động khiến chất âm sai lệch. Người có nghề sẽ mua linh kiện gốc hoặc cùng trị số để thay.
Nếu ngại đụng loa cổ, người chơi có thể chọn mua đôi loa hiện đại. Loa đời mới có ưu điểm không thể phủ nhận là tốc độ và âm hình. Ngược lại, loa cổ dễ nghe hơn và không kén dòng nhạc. Để tìm được đôi loa đời mới chi tiết, tốc độ với các thông số kỹ thuật trong mơ không khó. Nhưng nếu lấy tiêu chí nhạc tính hàng đầu, thì sẽ là bài toán đố mà không phải cặp loa đời mới nào cũng có thể giải mã. Thị trường sản phẩm, thiết bị nghe nhìn Việt Nam cũng không ngoại lệ. Chúng ta chỉ có thể liệt kê một số dòng loa đáp ứng tiêu chí trên như Tannoy, Triangle, Totem, Reference 3A… Tất cả dòng loa này có điểm chung là nhạc tính cao, trung âm trong trẻo, ấm áp, âm treble ngọt ngào không chói gắt. Hơn thế, những dòng loa kể trên có độ nhạy từ trung bình đến rất cao, dễ phối ghép ampli. Nếu có thể, người chơi nên sử dụng những ampli đèn chạy đèn đốt trực tiếp như: 300B, 211, L84... để chơi với loa độ nhạy cao hoặc ampli mạch đẩy kéo chạy đèn EL34, KT88 hay 6L6... với loa độ nhạy trung bình.
Khi đã chọn được cặp loa ưng ý, người chơi cũng không nên xem nhẹ việc đầu tư cho nguồn nhạc mà cần sắm đĩa “xịn” được ghi âm chính hãng. Như thế, hệ thống mới phát huy được tố chất của nó. Thà sở hữu hai, ba chục chương trình gốc chất lượng cao, còn hơn ôm một đống CD copy, nhái với âm thanh mỏng quẹt, chát chúa và cà lăm.
---
loa nghe nhạc vàng, loa nghe nhạc trữ tình
Gọi 0918330776 để được tư vấn thêm